(Tiếp
Phần I)
Cụ hóm hỉnh:
- Thích sinh viên hay Bố Chánh chớ gì? Tui thấy
Bố Chánh nghe "Nôm" hơn, mạnh hơn,
ngộ hơn đó. Anh thấy "tót" nghe không
lọt tai hay tại chánh anh chưa nghĩ ra
được cách đọc ấy?
Tôi từ tốn:
- Thưa cụ, quả tình là con chưa kịp nghĩ
ra chữ "tót". Nhưng bây giờ thì con
đã cân nhắc kỹ lưỡng rồi ạ!
- Chịu "tót" rồi hả?
- Thưa cụ, không ạ "Tốt" mới
hợp cảnh...
Giọng cụ đượm chút phật ý:
- Sao?
- Thưa cụ, con xin phép đọc bài thơ Vịnh
sư của Tú Xương:
Ðầu trọc lóc bình vôi,
Nhảy tót lên chùa ngồi.
Ê a kinh một bộ,
Lốc cốc mõ ba hồi,
Bữa ăn chẳng thịt cá,
Chỉ rặt oản, chuối, xôi.
Vợ con cũng chẳng có,
Ðành chịu tiếng mồ côi....
Thưa cụ, Tú Xương "ác khẩu"
quá đáng như vậy cốt để tỏ nỗi
bất bình. Theo con thì có lẽ trên đời này
chỉ có mình Tú Xương to gan đến mức dám
gọi nhà sư là... chú trọc:
Ngủ quách sự đời, thây
kẻ thức,
Bên chùa chú trọc đã hồi chuông.
Dưới mắt Tú Xương,
giới sư sãi bộ dạng đã khó coi, thái
độ lại hỗn xược, vô lễ.
Nhảy "tót" là nhảy bừa lên cái chỗ cao quý
mà đáng lẽ người ta thường phải
"mời", phải "nhường" nhau
tới cùng chớ không phải chiếm đoạt ngang
ngược. Ngày nay, ngôn ngữ dân gian gọi
vậy là "nghèo mà ham" còn ngày xưa Khổng
Tử gọi thế là "ngu nhi hiếu tự
dụng, tiên nhi hiếu tự chuyên" (ngu mà tự
thích dùng mình - chứ không mời người tài trí -, hèn
mà thích chuyên quyền) tức là tự cho mình có giá trị
trong xã hội chứ không khiêm tốn nhún nhường
cho đúng với thân phận đang có của mình.
Như vậy, chữ "tót" không phù hợp với
việc minh họa cảnh trang trí này ạ.
Cụ Sển gật gật mấy cái rồi hỏi:
- Còn "tốt" thì sao?
- Thưa cụ, chữ "tốt" thường
đi cặp ăn ý nhất với chữ
"chết". Chết tốt thì xảy ra
rất nhanh, nạn nhân thường không kịp
biết hoặc chẳng có được cảm giác
nào. Từ ý nghĩa đó "Nằm tốt"
lại "ngáy o" tất ngụ ý là "ngủ say
như chết", thoải mái tối đa, phục
hồi toàn hộ lao lực trút ra trước
đó. Ngủ như vậy thì không mơ
tưởng điều hảo huyền, không toan tính hay
cay cú vinh nhục, được mất của cõi phù
sinh. Ðúng là giấc ngủ lý tưởng ạ!
Tuy nhiên, nằm "tót" của vị Bố Chánh
nọ xét ra cũng không phải là không phù hợp với
những cao nhân ẩn giả như Sào Phủ, Hứa
Do, coi danh lợi trên đời là bẩn thỉu không
đáng nghe. Hai ông ấy tuy cũng sống thời
Ðường Ngu nhưng lại không "tính
thuần" bằng ông lão nông trong đĩa này.
Cụ gật gật đầu, cười hết
cỡ, khóe mắt nhăn tít, phô ra hàm răng trên
vắng mặt mấy vị trí tiền
đạo. Khi kết thúc đợt cười,
cụ ôn tồn bảo:
- Lý lẽ anh cứng lắm. Ðúng như ông Khoa
trưởng đã cho tui biết. Nhưng... thây
kệ anh, tui vẫn cứ thích hai chữ "nằm
tót" của ông Bố Chánh hơn!
Tôi nịnh ngầm:
- Thưa cụ, như vậy là cụ "cùng phe
cánh" với Sào Phu, Hứa Do phải không ạ?
Cụ đùa bằng lời lẽ thật bất
ngờ:
Á.. à! Bộ tưởng là tui cũng chăn trâu
đó hả? Trật lất rồi à nhen! Tui
sợ đỉa... có nòi lận đó!
Nói xong câu đùa ý nhị ấy! Cụ cười
hề hề đắc ý. Tôi như gà mắc tóc,
cảm thấy mình như bị vạ miệng ngang
xương, vẫn không sao chống chế
được câu nào. Cái khó ở đây là chống
chế nghe "thiệt thà" quá thì quỷnh, còn phá
phách cho đúng liều lượng đùa cợt thì vô
phương.
Trong hàng ngũ giảng dạy ở Ðại học
Huế bây giờ cụ Sển thuộc lớp cao niên,
chỉ kém tuổi vài cụ dạy môn Hán văn.
Nhưng dù so với cả lớp trẻ, cụ Sển
cũng vẫn là "tếu" nhất.
Có lần cụ kể:
Hồi Tổng thống Ngô Ðình Diệm vào thăm
Thảo cầm viên Thị Nghè. Viên Bảo tàng
quốc gia do cụ Sển quản lý vốn nằm
trong khuôn viên ấy, cụ lại là bậc cao niên nên
phải đảm nhiệm vai trò chủ nhân, đưa
khách đi loanh quanh giới thiệu mọi thứ.
Ðến chỗ một cây lạ, Tổng thống
hỏi:
- Cây ni cây chi?
Tuy có sẵn một vị Tiến sĩ Thực vật
học, tác giả pho sách đồ sộ Cây cỏ
Việt Nam hẳn hoi, lẽ ra vị nọ tha hồ vanh
vách nêu từ tên khoa học bằng tiếng la tinh cho
đến vô số tên Việt, Tàu, Thái, Lào,...
Thế nhưng chính ông ta lại... câm như
hến. Cụ Sển vọt miệng đỡ
lời:
- Bẩm Tổng thống, cây "dái ngựa" ạ!
Nhà thực vật học nọ sững sờ, nhìn
cụ như ngầm trách móc. Cụ Sển chột
dạ, oán cho cái cây nọ sao chẳng chịu mang tên gì
cho tử tế dễ nghe, mà lại mang nhằm cái tên
oái oăm đến thế! Tội khiếm nhã, phạm
thượng ấy chắc là khó thể bỏ qua
(Bấy giờ người ta từng truyền nhau khá
nhiều giai thoại về nề nếp "giữ
lễ" khư khư có phần quá đáng giữa
đám anh em nhà ông Tổng thống ấy. Thậm
chí chỉ cần ông anh cả phán cho vài tiếng
"Thằng nớ ngó không được!" tức
thì Tổng trưởng bay chức cái vèo, hoặc
tỉnh trưởng rụng lộp độp như
sung). Cứ thế, cụ Sển chịu
đựng cơn thấp thỏm cả tháng trời.
Lần khác, cụ dạy bài thơ Vịnh con trâu
(của Huỳnh Mẫn Ðạt thì phải). Bài
thơ bắt đầu bằng những câu:
Mài sừng cho lắm cũng là trâu,
Gẫm lại nhà bay thật đớn đau.
Trong bụng lam nham ba lá sách,
Ngoài cằm lém đém một chùm râu...
Hầu hết chúng tôi đã thuộc
lòng bài ấy ngay từ hồi còn học lớp Ðệ
Tứ (lớp 9 ngày nay) Cái tinh thần đã kích bọn
quan lại phong kiến thống trị ấy đã lộ
liễu rành rành, thật chẳng còn chút gì để nói,
chẳng có gì để nhớ thêm. Thế nhưng
buổi học trở nên vui nhộn thú vị ngoài
dự kiến.
Cụ Sển cho biết là Vịnh con trâu đã có lúc còn
được giới "trà dư tử hậu"
ở trỏng làm cho nó "cải đổi giống
loài" để biến ra thành... Vịnh con nai như
sau:
Mài sừng cho lắm cũng là nai,
Gẫm lại nhà bay thật lớn... vai.
Trên trán lô nhô hai mớ gạc,
Dưới đi lủng lẳng một chùm khoai!
Chúng tôi lúc mới đầu còn đang
cười khúc khích có vẻ vô hại, rồi bất
ngờ bùng nổ ngay một trận cười
ngặt nghẽo, ầm ỹ dậy trời chỉ vì
"chùm khoai" xuất hiện quá bất ngờ!
Chúng tôi nào đã mấy ai được nghe thiên hạ
ví von so sánh quái quỷ như vậy bao giờ đâu?
Cụ Sển cũng bị lây cơn cười, ràn
rụa nước mắt. Ðến lúc thầy trò cắt
được cơn cười thì mấy câu còn
lại cũng bị cụ "cắt" luôn.
Việc cụ chính thức là "ân sư" của
tôi thì xảy ra vào mùa Hè 1965.
Ở Ðại học Văn Khoa Huế năm ấy có ba
thầy dạy môn văn học, kể cả cụ
Sển. Cả ba đều ra đề thi nhưng
Phòng khảo thí chỉ bốc thăm chọn hai đề.
Ðến giờ chót, giáo sư ra đề mới
được thông báo để chuẩn bị
chấm bài.
Năm ấy, đề thi của cụ Sển
được bốc trúng. Lẽ ra cụ cứ
việc "bao" xích lô như mọi lần rảnh
rang khác để đi lùng những thứ gì cụ
thích, lúc về chỉ cần ghé lại văn phòng
nhận bài về chấm là xong, thế nhưng cụ
đã làm cái chuyện... chẳng hề có tiền
lệ.
Cụ "trấn" ngay cửa ra vào. Chúng tôi
bị kẹt lại bên ngoài lố nhố. Giọng
cụ ôn tồn nhưng rõ ràng có ngầm chứa sự
năn nỉ lẫn hù dọa:
Bữa nay các trò thi đề của tui ra. Tui đã
72 tuổi rồi (cụ sợ chấm bài
"dở" của chúng tôi đến mức
phải tự "đôn" thêm cho mình đúng
mười tuổi, ăn đứt cả những gã
trốn quân dịch bạo gan nhất!) Mắt tui
không đọc nhiều được đâu! trò nào
"dziết" sáu trang đổ lại là làm
"dzăn", trò nào làm bảy trang trở lên là
"ị" (cụ nói toạc chứ không... kiêng dè
như tôi) Tới đó thời không phải là
"dzăn" nữa đâu!
Khi làm bài, tôi quên khuấy lời dặn "chém đinh chặt
sắt" ấy của cụ. Nói cho thật lòng
thì tôi cũng có nhớ lời dặn ấy vào đúng
cái lúc đã vô phương khắc phục, dành phải
tặc lưỡi... mặc kệ đất trời!
Hôm vào vấn đáp môn cụ, phòng chờ đông kín
người. Phần đông là những vị trà
trộn vào cốt để theo dõi, rút kinh nghiệm cho
những năm sau. Cũng có mặt vài thiếu
nữ rất Huế có nhã ý đi "chi viện tinh
thần" cho vài sĩ tử nào đó nữa.
Vừa ngồi vào ghế, cụ xóc xóc xếp thẻ
sinh viên rồi hỏi lớn:
- Có anh NVL không hè!
Giáo Sư
Ngô Văn Lại <photo>
|