Lắm lúc rảnh
rang suy rõ ngọn nguồn, tôi nhận ra một điều
thật chua chát, ấy là đấng tạo hóa trớ
trêu hình như cố ý chơi xỏ tôi, cứ xui khiến
tôi chứng kiến nhiều điều mà khá nhiều
người chưa có dịp chứng kiến, đẩy
họ vào cái thế không thể không ganh tị: "Làm sao hắn ta lại chứng
kiến chuyện ấy còn mình thì lại không"? Hoặc: "Hắn ta bất quá cũng
chỉ "chín tháng mười ngày" như mình, ai
cho phép hắn nổi trội hơn mình được
nhỉ?"
Thế là bao
nhiêu công phu hồi tưởng, phục chế này nọ
của tôi bị đánh đổi bằng hai tiếng
có độ nhấn đàng hoàng, thoạt nghe đã thấy
muốn... ngả bệnh dài ngày: bốc phét! Có khi lại thay bằng mấy
tiếng: nói xạo! hoặc: dóc tổ!
Chuyện voi tỏ
tình mà tôi sắp kể không chừng lại cũng gây
dị ứng kiểu ấy nhưng tôi vẫn phải
kể cho tâm hồn mình bớt anh ách như chiếc dạ
dày quá tải những món béo bùi, không chịu tiêu hóa ngay
cho.
Vào khoảng
đầu năm 1952, mấy tháng trước khi về
quê hương dưỡng bệnh sốt rét, rồi
dạy học, rồi "nhập tịch" Nhà lao
Con Gà, tôi hãy còn nấn ná một thời gian ở vùng
Hòa Khương cùng với ba người bạn đồng
lứa, có chung mối sợ bị lôi cổ đi cầm
súng đánh thuê cho ông ÐờGôn.
Chúng tôi đẵn
tre rừng về dựng một căn lán, trang trí nội
thất chỉ vỏn vẹn một sạp tre đủ
chỗ cho mươi người cả chủ lẫn
khách, căng một sợi dây rừng để treo áo
quần, góc nhà là nơi để nông cụ, một ít
vật dụng linh tinh.
Căn lán ấy, ngay từ đầu chúng tôi
đều nhất trí gọi là nhà, không cần phải
thông qua biểu quyết để chọn đa số. Mãi đến gần đây
tôi mới thấy cách gọi ấy thật đáng
để ngượng quá thể.
Vùng này từng
đã bị "khủng bố trắng" một
thời gian dài. Lính lê
dương ở đồn Ninh An cứ thấy có gì
động đậy là "tỉa" ngay, thành thử
khi chúng tôi chọn để ở thì vườn hoang,
ruộng hoang, rừng hoang khắp cả. Có lúc chúng tôi còn bắt gặp
cả đầu lâu trắng hếu hoặc
xương ống chân tay lẫn khuất đó đây
trong đám cỏ hoang nữa.
Bốn đứa chúng tôi có lẽ chiếm gần
20% hộ dân cư ở đấy. Tuy nhiên, hộ nhà nước
thì có lẽ hơi nhiều vì có đến hai xã vùng
địch, lưu vong các cơ quan và các đơn vị
dân quân thoát ly về đấy nữa.
Ðể sản
xuất lương thực, chúng tôi phải quay về
thời kỳ hái lượm một cách vô vọng cùng
tiến hành canh tác khá viển vông vì chẳng hề có sức
kéo phụ lực (chỉ cần giặc Pháp nống
ra xấp xí mươi cây số để đốt
phá một chầu là mọi sự trở về điểm
xuất phát!)
Giữa mùa mít,
thế mà hàng chục cây trong các vườn hoang quanh
đấy chẳng hề có lấy một quả
nào... cho phải phép. Theo
nhịp độ cho quả của loài cây ấy, lẽ
ra chúng tôi phải kiếm được vài trăm quả
để no đủ quanh năm, thế mà chúng không lộ
vẻ gì tỏ ra muốn ra quả cả. Bốn đứa chúng tôi lần
lượt lãnh đủ mọi thứ nọc độc
của côn trùng: ong bù vẽ, ong ngựa, ong thổ thần,
kiến nhót, bọ cạp, rết. v.v.. mà chả hề
gỡ gạc được món gì để an ủi
chút nhiệt tình bòn mót cái ăn.
Chúng tôi bắt
chước các cán bộ thoát ly, tìm vào vùng Ðồng Nghệ
để làm lúa nước.
Vùng ấy có đàn voi rừng quần tụ chỗ
Sình Ré, nơi bạt ngàn lau lách. Chúng tôi chưa hề chạm
mặt "ngài" nào nhưng căn cứ vào các chất
thải rải rác đó đây, có lẽ tập thể
nặng nề ấy có không dưới mươi con.
Tuy sinh sống ở
Sình Ré nhưng chuyện sinh sản của con nhà voi thì
nơi ấy lại chả được việc
gì. Ðể vâng theo sự
thôi thúc của bản năng truyền giống, voi cái
phải tìm nơi thích hợp, nếu không tìm được
nơi nào, chúng "trả thù" thật tàn bạo
vào cây cối trong rừng bằng sự căm phẫn
chứa đầy thú tính, cây cối bị xéo đến
xơ xác tóe nhựa đen sì, lều lán bị quật
tơi tả, khổ chủ dù có... can đảm quay về
cũng không còn mót lại được gì. Chúng tàn phá khi chưa tìm địa
điểm nghe rào rào, răng rắc khủng khiếp
một phần thì khi chúng động tình, cao tiếng
gào rống nghe khủng khiếp cả mười phần.
Vào đầu
năm 1952 ấy, chúng tôi được chứng kiến
đầy đủ một cuộc tỏ tình... khá
sôi nổi, khá kinh khủng của ba chú voi.
Một buổi
sáng, chúng tôi mải miết dọn ruộng úng thủy
ở chân núi, nước ngập ngang bụng, toàn thân
chịu sức ép của thứ nước lưu cửu
đến sáu thế hệ lá mục, tính từ cuộc
tiêu thổ kháng chiến bắt đầu cuối
năm 1946. Chúng tôi phải
lội rất vất vả, lại thêm số tạp
chất hòa tan trong nước cản trở sự tản
nhiệt nên nước nóng lên rất nhanh. Sau chín giờ là chúng tôi bắt
đầu lội trong thứ cháo loãng nóng hổi của
tự nhiên ấy. Cứ
lội vào bờ xong lại lội ngay ra ruộng làm
tiếp, chúng tôi dùng liềm xẻo từng mảng cỏ
lớn hơn một mét vuông, móc mũi liềm vào đấy
dắt đi theo bước chân phì phọp, đắp
mảng cỏ nọ lên bờ. Có lần không rõ kẻ nào
trong bọn đã cắt luôn một chú đẻn, mãi
khi nắng lên cao, mớ khoang đen khoang trắng nọ
trương lên bốc mùi, chúng tôi mới phát hiện,
sợ đến mất máu.
Về sau mới được một tài liệu
nghiên cứu cho biết là nọc độc của loại
ấy mạnh bằng 125% loại trên bộ, còn hồi
bấy giờ chúng tôi chỉ mới nghe đồn miệng
là ai bị loài ấy cắn thì cứ lịm mãi cho
đến lúc chết. Vì
vậy chúng tôi mới biết sợ nhưng không rõ nửa
kia của chú đẻn nọ đang "ở lại"
đám cỏ nào. Ðành phải
bỏ buổi làm và còn chờ thêm một ngày nữa...
cho hắn chết đói mới dám tiếp tục kế
hoạch. Có lẽ tôi sợ
"đậm" hơn ba đứa kia vì đêm ấy
tôi còn chiêm bao thấy vợ rắn trả thù chồng,
rượt tôi khắp cánh đồng hoang nọ, một
mình mụ rắn rượt một mình tôi, chân tôi thì
mỏi nhừ còn mụ thì chẳng có... chút chân nào
để mỏi! (Sau này
tôi mới nghiệm ra rằng tôi sợ đậm
đến thế chẳng qua là do từ hồi ở
Tiểu Học tôi bị ám ảnh bởi câu chuyện
huyền hoặc rằng Thị Lộ vốn là một
rắn tinh hiện hình lên để báo thù Nguyễn
Trãi).
Vừa làm vừa
sợ, mắt la mày lét nên năng suất rất tệ,
vì vậy chúng tôi phải làm gắng để bù lại,
mãi đến 14 giờ chúng tôi mới thất thểu
về đến nhà, cái đói hợp sức với
cái mệt đã vắt kiệt sức khỏe chúng
tôi. Lăng xăng, lục
đục lo xong bữa cơm là chúng tôi vất mình lên
sạp nứa, ngủ say như chết. Cả mụ đẻn có chồng
bị chúng tôi "chém ngang lưng" nọ cũng bỏ
đi đâu mất, không khéo đã tái giá rồi
chưa biết chừng.
Do đó tôi chẳng mất công chiêm bao chiêm biếc
gì sất!
Ðang ngủ ngon
lành, tôi bị nắm chân lay dữ dội. Ba thằng lay một, đâu
phải chuyện vừa?
Tôi lồm cồm bò dậy, nhìn theo hướng mấy
ngón trỏ các thành viên còn lại của tổ sản
xuất, nhận ra tiếng cây đổ răng rắc,
tiếng cành lá quệt nhau rào rào rồi ba khối
đen sì lù lù di chuyển theo tốc độ cao thoắt
ẩn thoắt hiện, cách chúng tôi ngót bốn khu
vườn hoang.
Trước
đây, khi chọn nơi cất "nhà", chúng tôi có
ý tìm những vùng nhiều cây dại tầm sáu bảy
mét để ngụy trang vĩnh viễn che mắt mấy
"bà đầm già", tức loại phi cơ quan
sát bay chậm rì rì của giặc Pháp. Giờ đây cái "bất
cập" của cách chọn ấy mới lộ
ra: cây dại che khuất
tầm mắt khiến chúng tôi vô phương theo dõi
hành tung của mấy chú voi sùng sục xuân tình ấy,
phần "thoắt ẩn" diễn ra hơi lâu
làm chúng tôi hơi chợn nhất là khi chúng chạy qua
các vạt cây nhỏ, không gây ra tiếng răng rắc,
rào rào, dễ nhận biết tình hình.
Thình lình, cả
bốn đứa chúng tôi đồng "ối!"
lên một tiếng hốt hoảng. Từ bãi dã quỳ
ở cuối vườn vươn lên cao một chiếc
vòi huơ huơ trên không như muốn vét thật nhiều
không khí. Rồi hai chiếc vòi khác cũng vươn
lên theo, khua khoáng loạn xạ. Mấy cái vòi
giương thẳng lên không trung sao mà to đến
phát khiếp!
Ba vị khách không mời ấy thình thịch phăm
phăm lao đến địa chỉ của bốn
đứa chúng tôi. Bảo sợ hãi là "hồn vía
lên mây" thì lúc nầy hồn vía tôi có lẽ đã lên
tới chữ "m" rồi. (Nếu khoa học chế
được một nấc thứ 10!) Chúng xồng
xộc thêm chục bước nữa là nhà chúng tôi bẹp
rúm kể chắc! Cả bốn đứa chúng tôi chẳng
một ai tính đến chuyện... bỏ nhà chạy
lấy người, hình như trong một lúc lý trí bất
lực, chúng tôi chợt có thứ bản năng của
loài rùa, coi mái nhà như cái mai, tự cho rằng nó che chở
mình tốt hơn chuyện "phơi mạng cùi"
ra chỗ trống trải.
Chỉ cần một tiếng "ràoàoào" nữa
là chẳng nhà chẳng nhiếc gì hết, ai ngờ chú
voi chạy đầu thoắt lạng đi mấy
độ rồi ngoặt hẳn về phía dốc Ồ
ồ. Tiếng lào xào, răng rắc nghe nhỏ dần
đi rồi bặt hẳn. Quả thật là tiền
hung hậu kiết!
Chúng tôi hí hửng suông, bởi lẽ trong nhà chả có
thứ gì để ăn mừng hay uống mừng
cho việc thoát nạn được cả, đành
xoay ra trò chuyện về voi. Té ra một nửa chúng
tôi chỉ mới thấy... phân voi ở Sình Ré và voi vẽ
trên giấy chứ chưa hề thấy voi thật.
Tôi bèn dốc vốn liếng ra kể ba chuyện voi,
thay cho món... ăn mừng vậy.
Chuyện thứ nhất là Voi xiếc của đoàn Tạ
Duy Hiền có lắm trò ngộ nghĩnh: nào kéo cả
đoàn diễn hành, vòi con đi sau cuốn chặt chót
đuôi con đi trước, đu đưa như
võng, nào ngồi phệt trên ghế tròn giơ vòi lên cao,
nào đá banh với chú hề xiếc. Cả ba đứa
kia đều chưa coi xiếc lần nào nên trố cả
mắt ra nghe nửa tin nửa ngờ.
Chuyện thứ hai là chú voi cái biết ghen của viên
Khâm sứ Huế năm 1938. Con voi này tôi chưa hề
thấy nhưng viên quản tượng thì ghé nhà tôi
chơi rất thường xuyên vì anh ta chả có việc
gì để làm ngoài chuyện mỗi sáng mỗi chiều
nhận rơm và chuối cây, mía đổ vào máng và
bơm nước đầy bể cho voi uống. Công
việc nhàn nhã ấy chỉ mất một vài giờ,
còn thì anh đi chơi suốt vì viên Khâm sứ cả
năm mới đi kinh lý miền núi một vài lần
để làm hân hạnh cho đám lý dịch chỉ diện
toàn khố thổ cẩm. Viên thư ký là người
bà con bên vợ của anh quản tượng, lại
là đồng hương nên rất dễ dãi trong việc
quản lý anh ta. Ở Quảng Nam, làng anh với làng
tôi cách nhau chưa tới một giờ đi bộ. Bố
tôi quen biết anh từ trước nên với tuổi
lên năm tôi là thứ búp - bê - không - trọ - trẹ
cho cả hai người.
Anh vừa mới về quê cưới vợ xong, mang
vợ ra Huế hưởng tuần trăng mật.
Ngay ngày đầu, anh đã bê trễ việc chăm
sóc ăn uống cho voi, lại không duy trì thói quen ngồi
cạnh chuồng ân cần độc thoại, hoặc
nán lại hàng giờ vỗ về nó như trước.
Ngày hôm sau, đã tới giờ voi ăn mà anh ta vẫn
còn ngủ. Voi phá chuồng thò vòi vào nhà anh cuốn
người vợ ra quật chết tươi, rồi
lấy chân giày lên bầy bá, cất tiếng rống
man rợ. Anh quản tượng chạy thoát
được ra ngoài kêu cứu thất thanh. Nghe tiếng
voi rống, viên Khâm sứ rảo bước rời
văn phòng ra trước thềm quát lên một tiếng
lớn. Voi liền quỳ hai chân trước, giơ
vòi lên cao như nhận lỗi.
Ngay sau đó, một toán lính được lệnh gõ
phèng la ầm ĩ, đốt đuốc rực sáng cả
vùng trời, xua voi lững thững về tận rừng
sâu, miệt Alưới, Nam đông gì đó.
Chuyện thứ ba xảy ra sau đó chín năm tại
làng Bình Yên, huyện Quế Sơn, Quảng Nam.
Hai chú voi làm nhiệm vụ tải lương thực
cho quân đội. Chúng chỉ làm việc về đêm
để đỡ bị máy bay địch phát hiện,
còn ban ngày chúng được giấu ở hai hàng tre rặm
đầu làng và cuối làng. Ðám trẻ con hễ bãi học
là chỉ biết có voi, có đứa phải gọi về
ăn trưa bằng roi mới chịu phép. Ngay cả
người lớn đi ngang đấy cũng dừng
lại chuyện trò chốc lát với anh quản
tượng không khác gì chỗ thân quen.
Một hôm có đám thôn nữ kĩu kịt gánh khoai sắn
vừa thu hoạch trên rẫy về. Họ dừng lại
nghỉ chân lẫn nghỉ vai, ngắm voi lẫn ngắm
anh lính chăn voi. Hôm ấy tôi cũng theo chân mấy
đứa bạn đến đấy xem voi. Thấy
lũ trẻ đem mời voi xơi bẹ chuối,
cành lá tre, các cô cũng bắt chước đem chạc
khoai, ngọn sắn ra mời. Voi không từ khước
món nào. Một cô trong bọn tinh nghịch, cứ mỗi
lúc voi đưa vòi ra sắp cuốn được ngọn
lá sắn là cô ta giật lại thật nhanh, chiếc
xích sắt giữ chân làm voi lần nào cũng thất
bại và đám trẻ reo hò thích thú. Nhìn đôi mắt
hiểm ác của voi, tôi linh cảm có chuyện chẳng
lành, toan cất tiếng la lên thì chính cô nọ đã
thét thất thanh trước cả ý định của
tôi. Voi đã cuốn cô giơ thẳng lên trời rồi
quật mạnh xuống. Lũ trẻ ré lên tản sạch.
Anh bộ đội chăn voi lóng ngóng, có lẽ mới
vào nghề. Khi voi giày xác cô thôn nữ nghịch ngợm
kia xong, anh mới tỉnh hồn. Lúc nãy tôi định
la lên khi thấy voi tỏ vẻ uể oải,
vươn vòi chậm chạp một cách không bình
thường, nhưng khi cô gái nọ sán lại gần
thêm mãi, trí tôi mới nhớ lại chuyện tàn bạo
của con voi viên Khâm sứ Huế ngày trước,
nhưng tất cả đã quá trễ.
Tôi đã kể được ba chuyện voi. Còn ba chú
voi "khủng bố tinh thần" chúng tôi lúc ấy
có lẽ cũng đã vượt dốc Ồ ồ,
trực chỉ sang vùng núi non huyện Ðại Lộc từ
lâu, chẳng rõ chúng đã giở những trò gì ở
đấy. Ngờ đâu từ phía ấy văng vẳng
lại tiếng "tét" xé tai rất đặc
trưng của loài voi, cứ mỗi lúc một gần,
rồi cả ba khối thịt đồ sộ di
động nọ lù lù, xồng xộc xuất hiện,
lại cũng nhắm thẳng vào trại chúng tôi
như trước chứ chẳng thèm chọn lối
nào khác, nhưng lần này chúng không quay ngoắt đổi
hướng vào giờ chót mà cứ thẳng lối
xông lên đạp bẹp rúm căn bếp tội nghiệp
của chúng tôi. Tiếng rống của chúng không the thé
theo kiểu "tét" mà pha lẫn giọng khàn khàn
như tiếng ụa mửa được tăng âm
cả triệu lần. Bốn đứa chúng tôi chụm
đầu sát nhau trên sạp, he hé mắt nhìn ra chỉ
thấy được phía thân dưới có mớ
chân màu đen mốc nện thình thịch, bất giác
chẳng ai rủ ai chúng tôi bỗng dưng cùng rống
lên một tiếng rất bản năng, nghe thật
chói chát, chẳng biết có làm cho chúng sợ hay không,
nhưng riêng chúng tôi thì thực sự kinh hãi cho kiểu
ré mới mẻ ấy của mình. Xa xa vẳng lại
tiếng nước sông Diệu Trì bì bõm ầm ào, tôi
biết mình đã thoát nạn và hiểu ra mục
đích của đàn voi: chúng chạy đúng lối về...
bãi hạnh phúc của chúng bên bờ sông Hội vực.
Tôi đã có lần quan sát cái nơi kỳ lạ ấy.
Phải thừa nhận rằng tạo hóa đã
"thiết kế" cái bãi lạ lùng nọ thật
rất ư hoàn hảo, thật vừa lòng cho loài voi
khi chúng đưa nhau vào mùa tình ái.
Với loài voi, chuyện yêu đương quả là
không đơn giản. Cảnh mà tôi chứng kiến
thật ra chỉ mới là công đoạn dạo
đầu, nhưng nào phải là thứ chuyện có thể
tìm thấy ở mọi nơi, mọi lúc?
Sau đó mấy hôm, tôi mới nhận thêm một thông
tin đáng giá:
Ấy là "tỏ tình" thì chuyện của voi
nhưng… "thỏa tình" thì lại là chuyện của
người.
Cuộc tỏ tình ấy nghe nói là đã tạo điều
kiện cho Ban quản lý kho thóc Nuôi quân của Huyện
trình báo lên trên rằng có đến 12 con voi phá kho thóc
xơi một mạch hết 12 tấn thóc!
Mọi việc trót lọt vì đa số các vị lãnh
đạo bấy giờ là những người
chưa hề thấy voi ăn thóc và rất tin vào sự
trung thực mà họ cho rằng đã làm cấp dưới
thì bao giờ người ra cũng thừa thãi thứ
đức tính ấy.
|