CHUYỆN MA

 

 

 

 

 

请阅读吳文赖老师佳作 * Xin mời đọc một số tác phẩm cuả Giáo Sư Ngô Văn Lại.

 

 

CHUYỆN THỨ HAI:  MA CỌP



Tôi rất ngại kể lại chuyện nầy vì thật tình tôi không sao xác định được con vật mà tôi thấy tận mắt đêm hôm đó là cọp ma hay cọp thật nên đành phải dựa vào sự xác định nầy của một người khác.  Ðó là anh N, một sĩ quan Công An "ở trên" về tăng cường cho xã.

Thời chống Pháp, mười sáu thôn của xã tôi đều nằm sâu trong vùng địch nên cơ quan xã phải đóng nhờ ở một xã miền rừng.  Mỗi khi xuống địa bàn, chúng tôi phải mất ba giờ đi bộ.

Nhóm chúng tôi hôm ấy có ba người là anh Q, C, và tôi.  Tuổi anh Q nhỉnh hơn tổng số tuổi của C và tôi, vì vậy trong việc tuần giữ nội qui, chúng tôi cứ việc răm rắp nghe anh là ổn, không thấy bực mình như đi với vài anh khác, tuổi chỉ đáng vai anh nhưng sai bảo thì toàn dùng giọng... bác Cả, bác Hai.

Ba chúng tôi đến cửa rừng khá sớm nên phải chờ đến choạng vạng mới được phép rời rừng ra đồng, lần xuống thôn xóm.

Anh Q tìm một vị trí thích hợp cho việc… giảm tải ruột già (!)

Tôi và C đi loanh quanh chợt thấy hai chú chồn nhỏ đang nô đùa hơi thô bạo.  Chúng tôi vớ ngay hai cành tre làm roi rượt theo sát nút.  Chỉ cần quét trúng vào chân là chúng tôi có món "hay" để tạm quên rau muối.  Hai con vật vừa mới vui đùa sôi nổi, chợt nghe tiếng vun vút, veo véo quanh mình, cong lưng chạy trối chết.  Anh Q. vươn cổ khỏi lùm cây dại, hốt hoảng kéo quần lên bỏ chạy, mặt nhăn nhó thảm hại, quát khẽ chúng tôi:

- Cọp con đó!  Chạy mau!  Chắc mẹ chúng ngủ cạnh đâu đây thôi!

C và tôi bám lẹ theo anh Q.  Anh chạy chậm rì nhưng chúng tôi đành phải đảm nhiệm đi đoạn hậu bất đắc dĩ, thỉnh thoảng tôi quay người chạy lùi mươi bước để tiện quan sát động tĩnh ở phía sau.  Ðược gần nửa cây số, anh Q hổn hển bảo:

- Hai đứa đi trước.  Chờ tau chỗ lùm tre mọi bận.

Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, rảo bước vượt lên.  Ði sau anh Q vào lúc ấy, quả chả thoải mái cho lắm.  Khoảng nửa giờ sau ba người chúng tôi mới lần lượt ra đồng cách quãng nhau khá xa theo đúng qui định.

Chúng tôi đến nơi tập kết thì đã gần 21 giờ.  C nằm vật ra vạt cỏ, hơi thở yếu hẳn.  Trận sốt rét đã tha mạng cho C từ hôm đầu tháng nhưng xem ra vẫn còn đeo đẳng quấy rầy mãi đến nay.

Lúc đã hơi lại sức, anh ta cất giọng đứt quãng:

- Giờ này... ai... đi liền... về trển... thì... thì... mới là... giỏ... ỏi...!

Cái tiếng "giỏi" mà C nhắc một cách khó nhọc đêm ấy thật rất đỗi lạ lùng!  Nó khiêu khích thói hiếu thắng quá trẻ con còn sót lại trong tôi nhưng cũng mở ra hay nói đúng hơn là đã nạp vào tâm hồn tôi một lượng hoài niệm quý hiếm làm chất bổ dưỡng cho tuổi già của mỗi con người.  Tôi rướm giọng:

- Quý báu gì!  Mình còn đủ sức lên tận Huyện như chơi!

Lên tận Huyện tức là phải đi một ngày đường rừng nguyên sinh, những cây có đường kính cỡ một mét bị coi là hàng cháu chắt.

Ðang thở chưa lại hơi mà nghe tôi tỏ giọng khinh thị kiểu ấy, C tức bực tối đa, điều ấy tôi hoàn toàn không ngờ.  Mãi ngày nay, bổ sung vốn sống ngót nửa thế kỷ tôi mới nhận ra chân lý:  So với ba cô em gái của anh, tôi chỉ ngang tuổi với cô nhỏ nhất, tôi phát biểu như vậy là xúc phạm, là vô lễ khó dung.  Anh gằn giọng:

- Thiệt không?

- Thiệt!

- Dám không?

- Dám!

- Ðổi ý còn kịp đó!

- Khỏi!

C. lại chỗ anh Q. thầm thì gì đó một lúc.  Anh hỏi:

- Mi đau bụng hả L..?

Tôi hiểu ngay:

- Dạ!

- Còn sức trở về cơ quan không?

- Chắc còn ạ!

- Vậy thì về đi!  Ði thủng thẳng thôi!

Thực lòng anh Q cũng chỉ mong có thế.  Sắp phải len lỏi qua hai đồn bót, chỉ cần một tiếng hắt hơi trong đêm khuya là hỏa châu phụt lên đầy trời, một chú cún cũng khó hòng thoát thân, nói chi là một tên tiểu tư sản non choẹt lại lộc ngộc như tôi?

Thế là một tay cầm đèn pin, một tay cầm lựu đạn, tôi lơn tơn một mình đi ngược lối cũ.  Hai món vật dụng ấy củng cố lòng tự tin trong tôi đã đành, chúng còn giúp tôi cất bước thoải mái nữa.

Khi nhận ra mấy chú đom đóm lập lòe ở cửa rừng, suýt nữa tôi đã choảng lựu đạn vào đầu mình.  Tôi vốn có thói quen từ thời Tiểu học là cứ mỗi khi nhận ra mình ngu ngốc, tay trái tôi tự động cốc một cú lên đầu thật nhanh.  Lần nầy quả lựu đạn đã kịp giữ tay tôi lại.  Không hiểu sao tôi lại có thể ngu đến cỡ ấy!  Khi tỏ cho C biết mình chẳng ngán gì đi bộ ba giờ đồng hồ mà tuyệt nhiên chả hề nghĩ gì đến đường rừng, trời tối, thú dữ tung hoành, vv... và vv...

Sao tôi dại đến thế được nhỉ!  Rõ thật là "khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già?" Tôi xốc nổi quá thể.  Bực mình, tôi choảng đèn pin lên đầu.  Hình như đêm khuya làm cho cú đánh đau hơn.

Lời cảnh báo của anh Q quay lại trí tôi.  Chao ôi!  Tình mẹ con là thứ tình rất ư thiêng liêng cho mọi loài, thế nhưng tình ấy biểu hiện nơi loài cọp thì khiếp quá đi mất!  Cọp sẽ nhai rôm rốp chiếc sọ của tôi rồi trìu mến nhường "tô xúp béo bổ" bên trong cho các đứa con bé bỏng chết hụt của hắn ư?  Chân tôi như đeo chì, tôi phải ngồi tựa bờ đất để lấy sức lại đã.  Tôi lắng tai tối đa nghe ngóng động tĩnh của rừng.  Chỉ trong một phút, tai tôi cũng thu gom cả tá tiếng động khác nhau, trong đó có hơn phân nửa gợi lên sợ hãi.  Thế nhưng gợi sợ hãi nhiều hơn cả lại chính là những giây phút không có tiếng động nào.  Những dấu lặng của bản nhạc rừng đêm thật là phong phú chất lượng, gợi cảm một cách chết tiệt!

Tôi tự củng cố lòng can đảm vì sắp phải gặp lại đoạn cũ, nơi anh Q. xách quần... phi nước đại, còn C. và tôi thì không còn hồn vía để cười.

Hai chú cọp nhóc nọ màu lông hãy còn xám xịt, chưa ngả màu vằn vệt gì, tức là hãy còn bú mẹ.  Nghe nói lưỡi cọp là loại giấy nhám tuyệt hảo, chỉ cần liếm sơ qua đầu con mồi là xương sọ bày ra trắng hếu.  Vì vậy, cọp tuy đẻ cả lứa nhưng may lắm chỉ sống sót một con, số còn lại thường mất mạng do mẹ tát chết khi kẻ bú lẫn kẻ cho bú cùng... phát huy thú tính.  Vậy thì cọp mẹ ở đấy lo kiếm mồi cho con trễ nhất cũng phải xong việc trước hàng giờ.  Lại phải chịu đói cả ngày cọng với cuộc rượt mồi hao sức, hẵn mẹ con chúng đã chén cật lực đến... ểnh rốn, rồi lăn ra ngủ say sùi bọt mép!  Như vậy, tôi không còn quyền sợ bừa bãi.

Nghỉ đã đủ khỏe, tôi đứng lên kiểm tra thật kỹ đèn pin rồi đi tiếp.

Nhích dần qua chiếc cầu khỉ, tôi thở phào nhẹ nhõm.  Ba mẹ con nhà cọp đã bị tôi bỏ lại phía sau.  Quãng đường còn lại đi men theo bờ sông Dao Trì.

Bỗng dưng một đống đen lù lù chắn lối cách tôi chừng mươi mét.  Tôi bấm pin, nhận ra hai đốm thô lố, đỏ lừ - dấu hiệu đặc trưng của mắt loài cọp - Tôi bình tĩnh nhá pin rồi dừng ngay để cọp bị chói.  Sau ba lần như thế, tôi chợt nghe một tiếng "roàào!"  cọp phóng sang bên trái lối đi.

Phía ấy là một bãi bồi khá dài của sông Dao Trì trồng toàn bắp, bãi thấp hơn lối đi đến mức nếu trồng tre cũng chưa chắc thấy được ngọn.  Như vậy cọp không cách gì phóng lên đến mặt đường cho nổi!

Tôi đang đắc ý như thế thì bỗng thấy cách đấy chừng mười lăm mét đã có sẵn một đống đen lù lù nữa!  Tôi lại dùng cách cũ, cọp ta phóng qua phía phải con đường êm ru.  Tôi dừng lại vừa nghe ngóng vừa suy nghĩ "Bờ đất cao đến thế, cọp lại không biết trèo như mèo thì lên làm sao được?  Phóng làm sao tới?  Xưa nay đã nghe ai kể cọp phóng tới ngọn tre đâu?  Hay đây chỉ là... đồng bọn?"

Thời gian dừng lại của tôi khá lâu, có lẽ cọp bỏ đi, cho dù có chậm rãi, va quệt gì thì cũng vượt hơn cây số, về hang ngủ ngon rồi là khác.  Tôi vừa tiến tới vừa nhá đèn pin vào mấy cụm cây dại, nơi cọp phóng vào lúc nãy, vẫn chẳng nghe chẳng thấy động tĩnh gì.  Tôi bắt đầu đi lùi khi qua nơi ấy.

Tôi lọt vào lối đi có tính cách công sự.  Phía ven sông là một hàng duối cổ thụ to cỡ vòng ôm, phía bên nầy là một lũy tre rừng tồn tại hàng thế kỷ.  Như thế, cọp sẽ không tái diễn cái trò ngồi lù lù làm tôi tốn pin nữa.

Thình lình tôi nghe có tiếng rào rào phía bên kia hàng tre rừng.  Loại tre này đã trở thành vô chủ từ lâu vì vậy ngay đến loài rắn cũng khó bò qua mà không bị trầy xước.  Nói thế có nghĩa là chú cọp nọ đừng hòng gì chui lọt để giở lại trò cũ.  Tuy nhiên tiếng rào rào bên kia hàng tre vẫn đồng hành với tôi như bóng theo hình.  Tôi đi thì tiếng ấy theo, tôi dừng lại thì tiếng im bặt.  Có lúc tôi thử dừng hẳn vài ba phút thì thứ tiếng quái gở ấy cũng thi gan, chờ cho khi tôi cất bước là dò theo, nhất định không đi trước theo đà, cũng không bỏ cuộc.  Hắn chỉ thích... bình đẳng.

Ai đã đọc Tam Quốc diễn nghĩa cũng phải sặc cười cho nhân vật Tào Tháo khi y thua trận Xích Bích.  Dọc đường tháo chạy về hẻm Hoa Dung, toán quân xơ xác ấy dính kế Khổng Minh là "đánh cho mệt chứ không cho chết".  Rồi cứ mỗi phen chạy trối chết hễ thấy đở mệt là y ba hoa chê nát Khổng Minh... non tay nghề!  Vừa tỏ vẻ ung dung ngạo mạn được phân nửa thì phục binh đổ ùa ra, rượt chạy có cờ!

Nào ngờ chuyện Tào Tháo lại "vấy" vào tôi!  Tôi đang lạc quan... không để đâu cho hết thì bất giác lại thấy... đống lù lù nọ có mặt giữa đường, giữ cự li hệt các lần trước!  Khổ nỗi là chiếc đèn pin của tôi lại giở quẻ đúng vào lúc nầy!  Luồng sáng của đèn nhòa hẳn đi nhưng hai đốm đỏ vẫn rất rõ.  Con vật không to.  Trông có vẻ chỉ trội hơn tôi chưa tới mươi ký.  Ðọc sách, tôi biết chỉ giống cọp Mãn Châu và giống Bengale mới coi con người không ra cái thá gì!  Cọp ở Việt Nam thì hơn phân nửa là không chủ động hại người trừ khi suy nhược mòn vuốt rụng răng.

Tôi nắm chặt quả lựu đạn.  Những người am hiểu tập tính loài vật này kể rằng tóm được mồi, cọp bao giờ cũng dùng mồi làm... đòn ngồi chứ chưa ăn thịt ngay.  Nếu vậy, chắc tôi kịp thì giờ rút chốt lựu đạn để... chết chung!

Tôi vừa nhá đèn vừa né qua bên này bên kia sau mỗi cú nhá để đánh lạc hướng vồ.  Cách làm nầy khiến đèn pin hết mờ và cọp mất tinh thần, phóng qua hàng duối cổ thụ.  Ðã nhiều lần tắm sông ở chặng nầy, tôi nhớ rất rõ vị trí cọp phi xuống là một vũng lầy hoang, nhất định dù là mềm mại như cọp chắc cũng phải lún tận nách!  Thế nhưng ngoài một tiếng "xòa" khi cọp ta phi qua rặng duối cổ thụ, tai tôi không còn nhận thêm âm thanh gì khác nữa.  Cũng có thể còn có tiếng bì bõm ở dưới kia nhưng do bờ sông cao quá tải, không còn đủ độ nhạy, và cọp đùa dai quá, tôi không còn tập trung tâm trí nữa.

Tôi lội qua sông Dao Trì.  Mùa lũ đi qua chưa lâu nên có chỗ phải bơi.  Ðây là lần đầu tôi qua sông này một mình lại nhằm vào ban đêm nên hơi chợn.  Tôi "tháo" toàn bộ y phục túm chung với quả lựu đạn thành một bọc, đèn pin phải để riêng phòng gặp trăn là loại năm nào cũng có một vài con bị lũ cuốn, đem từ nguồn về.

Ðã một giờ sáng.  Biết trước là phải gồng mình "chơi" nước lũ nhưng không lường được nó buốt đến thế.  Lên bờ xong, tôi soi pin kiểm tra xem có chú đỉa nào "quá giang" không.  Chuyện ấy vô cùng hiếm nhưng vẫn xảy ra đôi khi.  Hễ có xảy thì cầm chắc là rắc rối cho "chỗ hiểm".  Và chúng rất tôn trọng quyền "bình đẳng giới" của loài người.  Giống sên, vắt, ve, vv.  cũng đều vậy và tôi rất có kinh nghiệm về các giống ấy, nhất là vắt và ve.

Tuy uể oải nhừ người nhưng tôi buộc phải vận động tại chỗ để huy động thân nhiệt.  Tôi chỉ phải đi bộ chừng nửa cây số là kết thúc cuộc gian khổ nhưng nếu để người lạnh sẽ rất dễ bị trúng gió độc, còn nếu chạy cho ấm người sẽ rất dễ kích thích thú tính của loài ăn thịt.

Nhận ra cơ quan xã còn leo lét ánh đèn.  Tôi vét hết sức khỏe còn lại, trút cho đôi chân.  Ðến nơi thì thấy còn ba người chưa ngủ.  Thấy tôi lên một mình, cả ba thất sắc, tưởng phải... truy điệu Q và C. (thật ra thì hai vị ấy còn phải chờ gần nửa thế kỷ nữa mới tính đến chuyện đó!)

Vừa uống trà suông, tôi vừa thuật hết sự tình, hí hửng là được... cọp chê!

Anh N. cười cười:

- Ở đó mà chê!  Ðã là cọp thì ban đêm hắn không "chê" bất cứ thứ mồi gì, kể cả ếch nhái.  Hắn còn vào tận nhà người ta bắt gà bắt chó nữa kia!  Mi gặp ma cọp đó!

Tôi cãi:

- Rõ ràng là cọp mà!  Tui pin đèn cả chục lần chớ ít đâu?

Anh hỏi dồn:

- Mi đứng gần, rứa có ngửi mùi khen khét không?  Thúi thum thum không?  Hắn có quật đuôi qua phải, qua trái không?

Chỉ cần đáp bừa tiếng "có!" là anh hết phương vặn vẹo, nhưng tôi vốn tôn trọng anh và không quen trò bá đạo.  Tôi cố nhớ lại, thậm chí còn hít hít mũi để tìm xem có mùi gì còn lưu ở đấy không, nhưng quả thật chẳng hề có những hiện tượng anh kiểm tra.

Ðúng là anh khá nghiệp vụ, chẳng cần đợi tôi trả lời, anh xử lý ngay:

- Không có chớ gì!  Con ma cọp đó, tau đã gặp một lần.

Rồi anh kể:

- Hôm ấy, tau đi trước, thằng B đi sau.  Vừa lên đến đầu dốc bà Ngân, tau bấm pin thì thấy hắn lù lù ngồi đó từ bao giờ!  Tau nhá pin hai cú mà hắn cứ trơ trơ, mắt không thèm cụp nữa.  Sẵn súng, tau nổi xung xỉa liền ba phát vào lỗ miệng đỏ lòm của hắn thì thình lình chẳng thấy chi nữa.  Mi không tin, cứ hỏi thằng B.

Tôi chợt nhớ truyện Thần Hổ của Ðái Ðức Tuấn.  Hồi tiểu học, tôi đọc luôn mấy lần cuốn truyện huyền bí ly kỳ ấy.  Thần thiếc ngon lành chớ đâu phải thứ ma cà chớn!  Thế nhưng lời kể chắc nịch của anh N. làm tôi tức nghẹt thở.  Thật là bố láo quá!  Ma thì việc gì tôi phải... tụt tinh thần đến thế?  Tôi sợ là sợ cọp kia mà!  Ðúng là đồ…  ma gian lận, dám giả mạo cọp để gạt tôi?  Nếu gặp lại thì tôi sẵn sàng cho hắn mấy cốp lên đầu.

Nhưng rủi tôi cốp nhầm phải cọp thật, hắn có cãi cọ gì không nhỉ?

 

Giáo Sư Ngô Văn Lại  吳文赖老师  <photo>

Tháng 10, 2006, Việt Nam

 

 

 

 

 

***  投稿電子郵件請寄 ***

Bài vở, hình ảnh xin gởi về Ban Phụ Trách KHAIMINH.ORG

 

VanNgheGiaiTri@KhaiMinh.org

 

 

 

 

 

 

Copyright © 2006 KHAIMINH.ORG