请阅读吴文赖老师佳作 * Xin mời
đọc một số tác phẩm cuả Giáo Sư Ngô Văn Lại.
Tặng
LTM, THQ, DNT, NTQ, PCT, VTT, LB, TH, CQV, THH
và hai
điều phối viên xuất sắc HQT & TNH.
Ở tuổi về chiều của mình, khi
sơ kết quãng đời đã qua, tôi chẳng vui
chẳng buồn nhờ thấm thía mấy câu thơ
Nguyễn Công Trứ:
[Hai mươi năm lẻ
những mơ màng,
Cuộc thế xem qua đã chán chường.]
Lúc đạt chẳng qua nhờ vận mệnh,
Khi cùng chớ cậy có văn chương.
Theo thời cũng rắp toan nghề khác,
Bản tính đà quen giữ nết ương.
Thời thế rủi may âu cũng mặc,
Ai dư nước mắt khóc giàu sang?
Nếu cứ gặp được câu hay, tôi ực
ngay một chung rượu rồi gật gù
đọc lại thì giờ đây có lẽ cổ tôi
đã long hết gân, quay được 3600
như cổ búp bê, còn rượu trong vùng thì khó
thể tìm mua như giấy ở Lạc Dương
đời Tấn khi bài Tam Ðô Phú của Tả Thái Xung
mới làm xong.
"Giàu với sang là thứ ai cũng muốn"
Khổng Tử từng nói vậy mà làm không
được vậy thì tôi có khóc cũng chẳng hòng
gì!
Những năm mẹ ốm, tôi quanh quẩn ở nhà
nên dần dần người quanh miền đến
"đặt hàng" linh tinh về liễn,
trướng, văn tế, câu đối...
Lần gặp khó khăn nhất về câu đối
diễn ra như sau:
Một gia đình nọ sa sút vô phương cứu
vãn. Cả dâu lẫn rể đều... bỏ
của chạy lấy người. Khi đã
khấm khá, họ đền đáp tình nghĩa cũ
bằng cách xây mộ cho các cựu nhạc phụ
nhạc mẫu.
Khi người con trai đem bia mộ về, sự
xích mích tưởng chừng xóa mờ bỗng dưng
bùng nổ: tên người lập mộ toàn là con
trai, con gái, chẳng hề nhắc đến con dâu,
con rể là những người đài thọ mọi
chi phí.
Các
bô lão trong gia đình phải họp lại xét hai
giải pháp:
Một, bồi hoàn chi phí, các cựu thành viên sẽ hoan
hỉ ra đi như hồi trước.
Giải pháp này chỉ làm tình nghĩa căng thêm,
lại hoàn toàn bất khả thi.
Hai, khắc lại bia khác, ghi đủ dâu rể (xét về
tình và tiền, chỉ họ mới thực sự
xứng đáng).
Các bô lão cực lực phản đối giải pháp
nầy vì không ai đủ sức che miệng thế
gian.
Giải pháp thứ ba: dâu rể sẽ đứng
tên ở lạc khoản câu đối nhà mồ
(tức nhà "trước cách" che mưa nắng
cho bia).
Ðám cựu thành viên nọ nhờ tôi.
Tôi lắc đầu còn nhiều hơn cả vũ
công ngấm ectasy:
- Không thể được! Khắp thế
giới chẳng mộ nào chú lạc khoản cho nhà
"trước cảnh" cả!
Họ
nài nỉ quá, tôi động não riết rồi gỡ
bí:
-
Việc này phải giữ cho khéo. Ngay cả khi
đã về Cam Ranh, Sài Gòn rồi cũng phải
giữ. Ít nhất là sau ba năm mới giải
mật. Lúc ấy, không giải mật, việc
cũng vẫn sáng tỏ.
Họ thực hiện đúng mưu kế
của tôi là vẽ một bộ "mai lan cúc trúc"
ở đầu và cuối hai cột trụ rồi
viết:
Cội rể vẫn
bền ơn đức nặng
Bể dâu chẳng đổi nghĩa tình sâu.
Các hình vẽ trang trí nọ phải thật
đậm, vài năm sau người ta chỉ còn
đọc được 10 chữ:
Rể vẫn bền ơn đức
Dâu chẳng đổi nghĩa tình.
Trời
ơi là họ khoái! Cả hai cùng đấm vào
lưng tôi thùm thụp, trằm trồ bằng
"những lời có cánh" cảm ơn tôi rối
rít, thế nhưng cái điều tôi mong nhất ở
họ thì họ thực sự quên mãi tận ngày nay.
Với văn tế, tôi giao hẹn một cách thô
bạo:
- Ðiều quan trọng là nhắc lại hành vi, tập
quán thuở bình sinh của người quá cố.
Còn khoe sự tận tụy săn sóc của con cháu thì
nhờ người khác, tôi không thích khoe khoang gian
dối hộ cho ai cả!
Người đặt hàng gãi đầu gãi tai khổ
sở:
- Nhưng mà... "hắn" có mần ăn chi
mô! Mấy đứa con ở nước ngoài
gởi tiền về đều đều, còn
hắn thì cứ sáng ra là ngồi quán cà phê, chiều
ngồi quán nhậu đặc sản, tối tấp
vô sòng. Hắn chỉ "né" bia ôm vì sợ cúp
viện trợ thôi!
Hôm giao nhận, ông lẩm nhẩm đọc
đến lần thứ ba rồi cất giọng
ngao ngán:
- Ri là răng? Anh nói rứa mà có mần chi mô?
(Thế nầy là thế nào? Anh nói vậy mà có làm
gì đâu?)
- Tôi đã dặn ông đọc cho kỹ rồi
mà! Hãy tìm hiểu thật kỹ câu nầy đi!
Ông ta đọc rành rọt từng tiếng:
- Man mác trăm bề thế sự,
nỗi đắng cay cơn nắng sớm, trận
mưa chiều;
- Phôi pha một kiếp phù sinh, vận may rủi lúc
về khuya, khi rạng sáng.
Gã trai trẻ (có vẻ cháu ông ta) xen vào:
- Tui thấy hình như... lạc đề thì phải.
Tôi cảm thấy nóng mặt:
- Các ông trả lời thật đúng cho nhé!
Ðơn giản thôi. Cà phê đắng hay cay?
Cả hai đồng thanh:
- Ðắng!
- Còn rượu cay hay đắng?
Lại đồng thanh:
- Cay!
- Vậy thì nắng sớm ông ta tìm món đắng,
mưa chiều ông tìm món cay, lòng cứ
vẩn vơ một nỗi buồn không tên, đó
gọi là man mác trăm bề thế sự...
Thấy các cơ trên mặt cả hai đã giãn dần
ra, tôi tiếp:
Còn đánh bạc là tự làm mòn cuộc đời
mình, tức là phôi pha một kiếp, mà đã
ngồi vào sòng thì chỉ có nhất may nhì rủi,
may lúc về khuya thì mới còn tiền
chơi tận khi rạng sáng, bấy giờ có rủi
thì đêm sau mới hay gỡ gạc vì tự ái.
Ông khách cao tuổi cười:
- Hì hì...! Ông không giảng giải thì hiểu
răng nổi!
Gã trai trẻ bồi luôn một chiêu:
- Con nghe cũng... mù trời trăng luôn!
Thấy nguy cơ "cắt giảm kinh phí" khá
cao, tôi chua chát:
- Lúc đặt hàng thì các ông yêu cầu nói cho tế
nhị khiến tôi rất cực. Té ra giờ thì
các ông đổi ý, chỉ muốn nói "toạc móng
heo" phải không? Xin chiều ý đây:
- Bè bạn rủ rê đàn đúm,
đêm năm canh đen đỏ thả giàn.
- Tiền nong xúi giục tiền pha, ngày hai buổi lê
la mọi quán...
Ðọc đến đâu, tôi viết ra đến
đấy rồi bảo:
- Ráp hai câu cách cú này, rút hai câu hạc tất kia ra - Cú
pháp, ngữ pháp, thủ pháp, đều không có gì vi
phạm. Ðược chưa?
Mảnh giấy nhỏ bị đẩy trả
lại, ông khách phân bua:
- Vâng, vâng, quả chúng tôi nghĩ chưa chín...
Dứt lời, họ trao chiếc phòng bì rồi
hối hả ra về.
Tiễn khách xong, tôi quay vào mở phong bì. Tờ
giấy bạc đã đưa câu nói của nhà văn
Pháp - Jules Renard - lướt qua trí tôi: "Viết
văn là nghề duy nhất không gây hổ thẹn vì
thu nhập ít".
Không hiểu khi khất nợ hay đi chợ, cái ông
nhà văn ấy còn nhớ điều đã phát
biểu hay không. Còn tôi thì đã thấm đòn
hơi nhiều.
Giáo Sư Ngô Văn Lại 吳文赖老师 <photo>
2006 Việt Nam
|