HAI CÚ ĐÁ

 

 

 

 

 

 

 

- Cú đá thứ nhất:

 

Tù binh L. (tôi đấy ạ!) đá Tây Cọt "sếp đờ câng" (Trại trưởng) trại tù binh Ðà Nẵng, diễn ra vào tháng 6, 1952.

 

- Cú đá thứ hai:

 

Tây Cọt "sếp đờ câng" đá tù binh L. lúc 22 giờ ngày 14-7-1952 (người xưa dạy "Làm ơn chớ nên nhớ, chịu ơn chớ nên quên".  Tôi "chịu ơn" cú đá ấy của Tây Cọt và thật lòng nhớ ơn lão, thành thử nhớ kỹ cả ngày lẫn giờ như vậy!)

 

Ðể khỏi gây hiểu nhầm, tôi thấy trước khi đi sâu vào chuyện, cần phải phân giải đôi lời cái đã.

 

Xét về mặt "chính danh" thì tù binh có nghĩa là lính địch bị bắt sống.  Với nghĩa ấy thì kẻ đang dạy trẻ như tôi không thể là tù binh, và như vậy, quân đội Liên Hiệp Pháp tống tôi vào trại tù binh là vi phạm công pháp quốc tế. 

 

Tôi mà theo kiện ráo riết, họ phải bồi thường thiệt hại là cái chắc!

 

Tuy nhiên, khi mà  khắp nước đều nêu cao khẩu hiệu "Toàn dân kháng chiến", "Mỗi người dân là một người lính", mà cái thân tôi thì "dân" quá rõ, vậy mấy tên da đen rạch mặt tóm cổ tôi ném vào trại tù binh là tóm đúng đối tượng, có lý có lẽ hẳn hoi, dẫu tôi có giở mồm năm miệng mười ra cãi chày cãi cối đến mấy cũng chẳng ăn thua, nói chi đến kiện cáo!

 

Vậy thì tôi là tù binh "chính thức" của quân đội Pháp, bị nhốt tại "Pờri - dông mi.li.te" (viết tắt PM) tức trại tù binh. Trại nầy ở Ðà Nẵng được dân gian gọi bằng cái tên hơi thô là Nhà - Lao - Con - Gà (nguyên dùng lại chỗ trại cũ của lính Pháp thời đô hộ vốn có bức biểu tượng con gà trống Gô loa đứng chót vót trên đầu một cột thép) còn phe kháng chiến thì dành cho nó một cái tên mỹ miều, sang trọng có thừa:  Trại - tù - chính - trị - Lao - Con - Gà (gọi tắt là Lao - Con - Gà).

 

Trại gồm ngót chục ngôi nhà lớn nhỏ, mỗi ngôi nhà lớn (5m x 9m) đã vài chục tuổi ấy xưa kia được dành làm nơi sinh hoạt cho một tiểu đội lính Tây thì nay dùng nhốt trên hai trăm tù, chen chúc thành ba lớp:

 

- Tù cũ:  sạp dưới.

 

- Tù hơi cũ nhưng không còn mới:  sạp trên.

 

- Tù mới:  gầm sạp.

 

Sự phân loại bất thành văn này mặc nhiên tự phân hủy khi đổi phòng.  Lúc ấy ba lớp sẽ là:  Chạy nhanh - Hơi nhanh - Kém nhanh.  Sau đó, trật tự trên đổi dần lại khi có thêm tù mới hay người ta loại bớt tù cũ do trao đổi hoặc... sa thải.Tù ở Lao Con Gà có ba mối sợ chính:

 

1.  Ði trận:  Thỉnh thoảng xe tải quân sự đến "bốc" một số đi trận.  Họ được phát áo lính thải ra (khi đổi cái mới) lưng áo có bệt hai chữ PM tổ bố bằng sơn đỏ choét, nét bự gần ba ngón tay đủ cho những cặp mắt không cận thị nhìn rõ ở khoảng cách cỡ một tầm ném lựu đạn.  Công việc được giao là mang máy truyền tin, khuân vác đạn dược, đồ hộp cho lính.  Ngoài việc nặng nhọc họ còn phải chạy cho nhanh khi thừa thắng và chạy thục mạng khi vỡ trận.  Không hiếm trường hợp có đi không về tuy họ không ham làm tráng sĩ, chẳng biết gì câu hát của Kinh Kha "Tráng sĩ nhất khứ hề... bất phục hoàn..."

 

2.  Ði kho đạn:  Kho đạn ở Ðà Nẵng bấy giờ do lính Miên (Campuchia) canh giữ và điều hành việc bốc vác, vận chuyển.  Bọn ấy hung tợn một cách xuất sắc.  Có nhiều tên non choẹt  tuổi chưa đến đôi mươi nhưng đã rất sẵn sàng nhảy xổ vào móc miệng, móc mắt, giật tóc tù bất chấp lý do.  Nghe nói có đứa còn luyện cả "gồng trà kha", cơ bắp cứng như thép nguội, quại vào thân tù chỗ nào là chỗ ấy thâm tím thành cục.  Hình như các người tù bạc phước ấy phải hứng chịu đòn thù mà tiền nhân họ gây ra từ trăm năm trước, khi Việt Nam đô hộ Chân Lạp (tên cũ nước họ) bắt cả quận chúa Ang Mey của họ về "an trí".  Sử sách xứ họ không quên, và học sinh xứ ấy thấm nhuần mối căm thù ngay từ bậc Tiểu học.

 

Mỗi thùng đạn nặng khoảng 80kg, vác đã nhọc, xơi thêm đòn thù còn nhọc hơn, sức khỏe con dân nhà lao xuống nhanh theo cấp số nhân. Không chiều nào là không có người phải dìu đi trạm xá cứu chữa.  Do đó việc "Ði kho đạn" thường dành cho những tù nhân cứng đầu, hay gây sự với bạn đồng cảnh như đánh lộn, ăn cắp vặt, vv..

 

3.  Làm vệ sinh doanh trại lính lê dương gốc Ả Rập.  Bọn nầy không bao giờ hành hạ tù mà còn ngược lại.  Ai khéo chiều có khi còn được chúng biếu quà trị giá gấp ba tiền công người lao động phổ thông.  Một số tên của sắc lính

ấy có sở thích thật bệnh hoạn:  chúng thọc tay vào trong quần tù nhân rồi khua khoắng, mát xa(!)  Khi rút tay ra, chúng hít hít ngửi ngửi rồi quẹt lên mặt tù.  Tù nhân nào lớ ngớ thấy phòng bỏ trống, cửa mở hoác, xách xô nước, giẻ lau vào chưa kịp triển khai việc lau nền thì ba bốn tên ở đâu xồ ra, khóa tay bịt miệng, xô sấp xuống sàn rồi hãm hiếp tập thể (xin hiểu là luân phiên).  Chốc chốc lại có kẻ đồng mưu gõ cửa cồm cộp, nài nỉ đòi vào tham gia...

 

Ðể đối phó các hiểm họa ấy, tôi quyết định giả ốm:  Tôi chọn cho mình bệnh kiết lỵ.

 

Bệnh kiết lỵ nghe có lý nhất vì bếp núc trại giam chỉ có chút đỉnh vệ sinh khi có tổ chức Hồng Thập Tự quốc tế đến kiểm tra.  Bệnh ấy lại quá danh giá vì lịch sử đã từng ghi chép có cả lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp Phan Ðình Phùng đã "tự chọn" nó làm bệnh kinh niên cho mình kia mà!

 

Ðến trạm y tế của trại, tù nhân chỉ cần phát biểu cộc lốc hai tiếng "kiết lỵ!" tức thì nhân viên người Việt ở đấy viết thành tiếng Pháp vào sổ theo dõi rồi cấp ngay tấm phiếu in ronéo, ghi vào đấy họ tên người ốm, kèm theo câu tiếng Pháp có nghĩa là:  "Ðến uống thuốc 7 ngày".  Lão thầy thuốc Pháp cứ thấy phiếu là ký đại như máy tự động, thỉnh thoảng mới đọc lướt chút ít chiếu lệ.  Giá ai bạo gan viết lời nguyền rủa quân đội Liên Hiệp Pháp bấy giờ, tuồn vào xấp phiếu, chắc lão ta cũng ký ngon lành nhanh nhẩu luôn.

 

Vậy là tôi đã có được tấm "bùa linh" để giải trừ ba mối sợ kể trên.

 

Tôi chỉ xin bùa chứ không uống thuốc.  Cứ nhè vào một trong hai ngày đầu mỗi tháng, tôi xin cho bằng được một tấm phiếu "Ðến uống thuốc..." như thế về lận lưng, khi gặp việc bức bách mới đem ra sử dụng (giống với mấy ông

tướng hữu dũng vô mưu chuyên xài cẩm nang của quân sư!)  Với phiếu ấy, tôi có thể tự ý dời ngày đến 12 lần, mất cơ hội ấy tôi chỉ có thể dời được vài ba lần thôi (ví dụ ngày 6, tôi chỉ được chữa ra 16, 26 thôi).  Nếu bị xua đi trận

chẳng hạn, nhằm ngày 21, trong lưng có sẵn tấm "bùa" đề ngày 1 tôi chỉ cần chữa ngày ghi ở phiếu là 19, ra đến mặt trận mới trình phiếu, nhất định là chỉ phải giữ công việc sai vặt, khỏi mang vác nặng nề.  Thật tình thì tôi chưa phải giở trò ấy vì chưa lần nào bị lôi cổ đi trận cả.

 

Mỗi khi mang sổ đến trạm xá xin phiếu, người làm tôi ngại nhất là ông ghi sổ, phát phiếu.  Ông quá nhẵn mặt tôi nên lắm hôm ông mỉm cười, đắc ý nhìn tôi như muốn bảo "Tao biết tỏng mẹo vặt của chú mày rồi nhé!"  Tôi cũng thành thật mỉm cười đáp lễ, không giở trò giả bộ thở gấp, nhăn nhó, rên rỉ như trước.  Lần sau rồi lần sau nữa, ông vẫn tái sử dụng nụ cười thân thiện ấy.  Tôi đã có đồng lõa.  Thì ra phần thuốc tôi không đến uống, ông đã kín đáo "uống" hộ và cũng kiếm được món lộc khá khá.

 

Thế nhưng bệnh kiết lỵ có một "nhược điểm" rất đáng chê trách là bệnh nhân chỉ được phát có nửa suất cháo, thật bất tiện cho kẻ giả ốm, nhất là rất dễ bị phát hiện việc dời ngày nếu người ta đối chiếu cẩn thận phiếu phát thuốc với sổ theo dõi, tức là so ngày tôi chữa lại trên phiếu với ngày bệnh xá ghi trong sổ.

 

Bệnh thứ hai tạo hiệu quả cao cho việc né tạp dịch là bệnh tê bại.  Thực phẩm trại giam vốn thiếu vitamin B1 nghiêm trọng nên loại bệnh nầy rất dễ xuất hiện.  Thế là ý tôi đã quyết.

 

tiếp (1)

 

Một hôm, Tây Cọt chẳng biết động địa  mắc mớ gì lại vào kiểm tra sổ theo dõi sức khỏe phòng E.  Xét thấy tôi mới vào trại vài tháng đã cấp tốc mắc phải thứ bệnh ngay cả lắm tù thâm niên gấp ba cũng khó mắc, lão bèn gọi đích danh cái kẻ đang thấp thỏm nhất phòng ra cho lão... khám.  Kẻ ấy chính là tôi.
 
Thật ra, "Cọt" vốn không phải là tên cúng cơm của lão Tây ấy.  Gọi như thế chẳng qua là lão quê ở đảo Cọt (Corse) đại khái như dân ta quen gọi cụ Yên Ðổ, nghe vui tai hơn cái tên Nguyễn Khuyến vậy thôi.
 
Ðảo Cọt là quê hương của Nã Phá Luân Ðệ nhất (Napoléon I) nên dân Cọt thường có vẻ kiêu kiêu, tự cho mình ngon lành hơn dân xứ khác.  Lão nầy cũng vậy, vẻ mặt lúc nào cũng lạnh lẽo như... gió mùa đông bắc!.
 
Trại tù binh Ðà Nẵng nhốt hơn 1800 người nhưng viên Trung Sĩ I Tây Cọt quản lý ngon ơ, nhiều năm trời không xảy ra lộn xộn gì tuy cơ sở hạ tầng vỏn vẹn chỉ có bốn hố xí, một phòng tắm tập thể trang bị chừng mươi chiếc vòi, ai có buồng phổi lực sĩ, phồng má trợn mắt cũng chỉ giúp cho vòi rỉ nổi lưng lửng một ca, rửa mặt cũng còn chưa chắc đã đủ.  Nói đến chuyện phòng tắm, thật là cả một sự mỉa mai, hài hước khó cười.
 
Tây Cọt gọi xong tên tôi.  Tôi "prề - dân" (có mặt!) một phát rồi vịn vào mép sạp, nhọc nhằn kéo lê bộ mông vô giá trị của mình lết dọc theo thanh tre đầu sạp tới trước mặt lão.  Lão lom lom đôi mắt nâu nhìn tôi như mèo vờn chuột.  Tôi cố vận dụng toàn bộ sự dịu dàng, nhìn lại lão, ra cái điều "cây ngay đếch sợ chết đứng"!
 
Lão vỗ vỗ mặt sạp ra hiệu cho tôi nhích lại gần hơn. Cử chỉ của lão khá giống một anh bồi bàn lau ghế thật kỹ lưỡng rồi ra hiệu cho "quý khách" là đã có thể ngồi được.
 
Tôi hình dung vấn đề theo hướng hỗn xược như thế cốt để củng cố sự bình tĩnh của mình đang chớm muốn lung lay điên đảo.
 
Tây Cọt ngồi xổm trên nền xi măng, từ từ tháo chiếc lon trung sĩ bên tay áo, nắn cho chiếc ghim nhọn xuôi thẳng ra rồi cầm nó xăm lên hai bên bắp chân tôi.  Lão châm khá lộn xộn, mũi sâu mũi cạn chả theo nhịp độ nào cả, mắt lão chăm chú quan sát sắc diện tôi có đáp ứng theo tính chất từng mũi châm hay không.  Tôi vẫn cố thản nhiên chịu đựng mớ nhói đau, mặt không đổi sắc, thoải mái nhìn lão chơi cái trò chẳng giống ai ấy.  Lạ một điều là không thấy máu rỉ ra.  Tôi đồ chừng máu tôi không đạt đủ sản lượng nên mũi kim quá nhỏ ấy chỉ đủ sức trở lối cho nó vừa rỉ ra chưa xong đã vội vàng bít lại ngay.
 
Cứ tưởng lão chỉ ra tay đến thế là cùng và tài lì lợm của tôi kể như đã thành công mỹ mãn khi thấy lão gập mũi ghim nọ như trước, đeo chiếc lon trung sĩ lại chỗ cánh tay áo như cũ.  Ai ngờ lão nhẹ nhàng rút ở túi quần sau ra một vật, nhắc thấy nó tôi đã kêu thầm:  "Phen này rồi đời mất ta ơi!"
 
Cái vật lão cầm trông giống một chiếc đinh phóng đại, mũ có đường kính chừng 4cm, mũ đinh không nhọn.  Lão ranh mãnh quan sát mặt tôi, hình như thử đoán xem tôi có biết công dụng của vật nọ hay không.
 
Thấy tôi không biểu lộ được chút dấu hiệu gì, lão bèn cầm cái vật hắc ám ấy gõ gõ phía cạnh mũ đinh vào chỗ gặp nhau giữa khớp xương bánh chè với ống chân của tôi.  Mới đầu lão ta gõ vài ba cái chỉ làm tôi thấy hơi đau đau nhưng tôi vẫn còn thừa sức chịu đựng để lão gõ mệt nghỉ.  (Phải mất nhiều năm sau tôi mới suy ra rằng lão cố tình gõ chệch như thế cốt để đánh lạc hướng, ru ngủ sự cảnh giác của tôi.  Ở tư thế ngồi mép sạp, thõng cả hai chân như tôi, nếu muốn, tôi chỉ lắc gối tí tẹo một cách ngẫu nhiên vô tình cũng thừa sức vô hiệu hóa đích gõ của lão.)  Bất thình lình, lão "mổ" một phát cật lực thật chuẩn vào chỗ khớp nọ, khiến chân tôi không kịp thông báo tín hiệu lên óc, chỉ vâng theo một xung lực ma quái nào đó, bật mạnh thẳng đà, đá trúng chóc vào chiếc cằm lún phún bộ râu mới mọc lại của Tây Cọt.
 
Lão đề phòng tôi cảnh giác, té ra chính lão mới là kẻ thiếu cảnh giác nghiêm trọng!  Sau cú gõ tàn bạo phảng phất mùi du côn ấy, "chiếc đinh" bật văng lên mặt sạp.  Ðang thế ngồi xổm, mông lão giáng phịch xuống nền xi măng chổng đủ hai vó, hai tay lão dang ra theo tác động của bản năng rồi chống hú họa về phía sau.  Bộ lông ngực đen nhánh, xoăn tít của lão chẳng rõ làm cách nào hất văng cúc áo chui ra, đầy vẻ ngơ ngác.
 
Cả phòng im phắc.  Trưởng phòng, phó phòng, thư ký đứng chầu chung quanh đều chôn chân trố mắt, kẻ nhìn lão, kẻ nhìn tôi, kẻ nhìn kiêm nhiệm cả lão lẫn tôi.  Tôi nín thở chờ đợi cơn thịnh nộ của lão sẽ nổ ra kèm theo hàng loạt tiếng chửi thề thô lỗ mà lính Pháp quen dùng trong trường hợp tương tự.  Không khí trong phòng như đặc quánh lại.  Có lẽ chưa một ai từng thấy cảnh ấy, ngay chính cả lão nữa không chừng.  Tôi thu hết can đảm, lắp bắp:
 
 - Xin lỗi sếp!  Không phải tôi!
 
Tôi định nói:  "Tôi không cố ý", nhưng vốn tiếng Pháp nghèo nàn của tôi khó trang trải nổi, tôi đành nói đại như thế, nghe có hơi ngốc nghếch nhưng về sau xét lại, cách nói "chữa cháy" ấy hóa ra lại hay hơn hẳn mới kỳ!

 

Tây Cọt khó nhọc đứng lên.  Mặt tôi cụp xuống đầy sợ hãi.  "Chí ít mình cũng hứng trọn ba bốn cái bợp tai kiểu Pháp hay kiểu Cọt"!   Tôi thầm nghĩ thế và gồng mình sẵn sàng hứng chịu tất cả cho tròn trách nhiệm với số phận.
 
Lão nhếch mép cười vô nghĩa, vươn tay bốc "cái đinh" lúc nãy rồi lẳng lặng quay ra đi thẳng.
 
Có lẽ Tây Cọt về tận văn phòng từ lâu, mọi người trong phòng mới buông vài tiếng cười nghe nguội ngắt.  Ðúng cái lúc đáng cười một cách vô tư thì ai nấy đều cố nín thin thít.  Chẳng qua thường ngày tính lão Cọt rất lạnh lùng, nguyên tắc rất mực.  (Ðã có lần một người tù mò xuống nhà bếp vét được mảng cơm cháy, hí hửng nhóp nhép trên đường về phòng, vô phúc đụng đầu  lão chỗ khúc quanh.  Lão không nói không rằng mở ngay cửa xà lim cạnh đấy, tống anh ta vào nhốt luôn mười ngày, không cho phát cơm nước.  Anh ta thoát chết nhờ có bạn tù tiếp tế lén qua lỗ tò vò).
 
Một hung thần như thế mà gặp phải tên tù xấc láo dám đá phải cằm, thế mà lão chỉ lặng lẽ bỏ đi, khiến mọi người trong phòng không sao tin nổi những gì họ thấy.
 
 Chắc Tây Cọt thừa biết là tôi có to gan lớn mật như Triệu Vân, Khương Duy nước Thục cũng chẳng đời nào dám mơ đến chuyện "đá" lão.  Cú đá ngẫu nhiên ấy chẳng qua là kết quả việc kiểm tra quá kỹ của lão mà thôi.
 
Lão nghĩ đúng như tôi suy đoán thì thật là chính nhân quân tử, khó thể có kẻ thứ hai!  Cọt ơi là Cọt!  Lão trung hậu, trong sáng, đáng phục biết bao!
 
Nếu lão tương kế tựu kế, cứ kết luận đại rằng tôi bị bại liệt, rồi cho người theo dõi lật tẩy thì quá dễ và rất đáng đời cho tôi!  Lẽ nào tôi phải lết suốt ngày?  Và lẽ nào tôi không có sơ sẩy co chân đạp mạnh vào mấy cái mông đêm nào cũng nằm lấn chỗ?  Tôi chỉ đủ trình độ để diễn vở kịch một màn rồi... màn từ từ hạ chứ đâu muốn diễn kịch ma ra tông kiểu ấy để tránh thoát sự theo dõi dai dẳng?  Té ra cú đá tội nợ ấy cứu tôi tận tình!  Hú vía!
 
Bình tình mà nói, bảo rằng cái hất hú họa như thế là cú đá thì quả là "cưỡng bách chữ nghĩa" một cách thô bạo, phi pháp, nhưng trước mắt người ngoài cuộc chưa mấy ai hiểu gì về hành vi phản xạ thì nó chính xác là một cú đá và tạm gọi là cú đá thứ nhất của chuyện này.
 
 (Ðề nghị đừng ai thắc mắc đến đầu đến đũa làm gì!  Ở đời thiếu chi chuyện "ngó vậy mà không phải vậy"  nhưng nào có bị ai chỉ trích chút đỉnh nào đâu?)

 

tiếp (2)

 

Một tuần sau đó, vào lúc các cửa phòng giam đã khóa chặt, chúng tôi sắp sửa đi ngủ thì hàng chục xe tải nhá đèn tới tấp rồi chồm chồm qua cổng sắt, đỗ thành hàng dọc cạnh các phòng giam.  Tiếng khóa cửa phòng lách cách mở ra, chúng tôi được lệnh tập họp gấp mang theo toàn bộ tư trang hành lý (hầu hết đựng trong các bị lác có quai xách).  Ðiểm danh xong, chúng tôi lần lượt leo lên xe.

Mang theo toàn bộ tài sản cá nhân, tất không phải là đi làm tạp dịch chiến trường vì vậy chúng tôi hí hửng cười nói râm ran như một lũ học trò hồn nhiên vô tư được nhà trường tổ chức cho đi dã ngoại.

Ðoàn xe trực chỉ bến tàu.  Chúng tôi được xua lên một con tàu nhỏ, chở hàng đầy nhóc.  Muốn ngồi vững, chúng tôi phải bám vào nhau, hoặc víu vào các góc cạnh của thùng hàng.

Khoảng năm giờ sáng thì tàu cập bến Lăng Cô, một bến dã chiến mới lập, dành riêng cho mục đích quân sự.  Khoảng một trung đội lính Âu Phi, mỗi tên đều vai mang súng, tay cầm roi lăm lăm.  Roi toàn là thứ cần ăng ten dài ngót hai mét, loại người ta thường thấy gắn trên các xe chỉ huy.

Chúng tôi lên bờ, đi giữa hai hàng lính chỉ biết "dàn" mà cóc biết "chào" ấy rồi dừng lại ở ven rừng, cách mép nước chừng vài trăm thước.  Các giỏ hành lý được lệnh tập trung vào một khoảng đất trống, cỏ nửa vàng nửa xanh.  Chúng tôi được phép nghỉ ngơi mười lăm phút trên một bãi cỏ vừa đủ chỗ xúm xít cho 200 tù nhân chúng tôi.  Chung quanh bãi cỏ ấy là những cây dại mọc thành những lùm nhỏ, cây cao nhất chỉ ngang đến thắt lưng.  Ðây là nơi được chọn làm bãi xí lộ thiên dành cho cả lính lẫn tù.  Vây ngoài cùng là những cây rừng cao quá đầu người.  Bọn lính cắt nhau đi tuần đều đặn quanh hàng rào thiên nhiên ấy để theo dõi quản lý những tù nhân... xấu bụng (hiểu theo nghĩa sinh lý chứ không phải tâm lý đâu nhé!).

Nghỉ ngơi xong, chúng tôi được lùa về bến.  Ở đấy đã lố nhố khoảng hơn trăm tù gốc Thừa Thiên.  Tất cả xếp thành hàng dài, lần lượt từng người một tự nhấc hàng lên vai, chạy lúp xúp trên chặng đường dài hơn vài trăm mét, lổn nhổn đá hộc.  Hàng được chất lên xe tải.  Hôm ấy chỉ toàn rượu bia và rượu mạnh chứa trong "két đúp" nên hơi nặng.  Ðiều phải lo lắng không ngừng là tính toán làm sao cho bước chân trần của mình đặt trúng chỗ phẳng nhất của viên đá chứ không phải kẽ đá và giữ cho cái lưng đừng cản đường tiếng veo véo của những chiếc roi ăng ten ác nghiệt.

Tôi giở trò láu cá, mỗi lần bốc vác cứ oằn sườn chạy liểng xiểng, lảo đảo như sẵn sàng ngã sấp để sán lại thật gần các tên lính đang vung roi.  Rủi tôi vấp chân, va cạnh thùng bia vào ngực tên nào nhất định tên ấy phải dưỡng thương, bón cháo cả tuần lễ như chơi!  Rốt cuộc, chính chúng phải sợ tôi còn nhiều hơn là tôi sợ chúng!

Ðến gần trưa thì xong việc bốc hàng.  Chúng tôi nối đuôi nhau đi bộ về trại theo hàng một  trên quãng đường cát quanh co như chơi trò rồng rắn của trẻ em.

Trại là một số lều bạt căng san sát trên một nghĩa trang đã dời đi, để lại vô số mảnh vụn mục nát của áo quan cùng những hang hốc đào khoét đây đó.  Khu trại được vây chung quanh bằng mấy lớp dây kẽm gai với hai lô cốt cao ngất ngưởng.  Lều bạt chỉ che được sương đêm, còn ban ngày cứ nóng hầm hập.  Tôi tụt xuống một huyệt mộ cũ, cảm thấy đỡ nóng hơn bèn làm luôn một giấc đến nửa chiều thì bị đánh thức bởi tiếng cười nói lao xao tứ phía.  Nhô đầu lên khỏi huyệt, tôi thấy lều nào cũng bày tiệc, bày sòng.  Sòng là cách gọi cho dễ hiểu, kỳ thực người ta chỉ chơi rặt một loại cờ mộc mạc là cờ gánh, quân cờ là những vỏ sò.  Trái lại, tiệc thì quá ư rôm rả, rượu bia, sâm banh, cô nhắc, mạc ten  uống thoải mái vì toàn của miễn phí do chúng tôi "thuỗng" được trong khi làm việc.  Trong lúc vác hàng quật đại lên xe hễ két hàng nào vỡ ra, lính thộn đầy các túi hai bên đùi xong là phẩy tay, cho phép tù tùy tiện.  Nhờ xe chạy ngang đầu đường vào trại nên chúng tôi cứ việc vất bừa "chiến lợi phẩm" lên cát.  Lính trên lô cốt ra nhặt về vứt vào các lều và tự trả thù lao hậu hĩ cho công nhặt của chúng.

Muốn rõ quân đội Pháp được tiếp tế ra sao, cứ việc quan sát các chiếu tiệc của chúng tôi là rõ.  Các tên Pháp quản trại cùng áp tải thừa biết chúng tôi lộng hành nhưng cũng thừa hiểu rằng chúng tôi tiết kiệm cho họ gấp ngàn vạn.  Trước đó cứ đoàn tàu nào có móc theo toa bọc sắt chở lính hộ tống thì mười lần khó hòng thoát một.  Chín lần kia luôn là tàu lật, hàng lẫn người mất sạch, chưa kể còn tốn công hành quân nhặt xác.

 

Ngày này sang ngày khác, chúng tôi toàn làm cu li buổi sáng, làm vua buổi chiều như vậy cả.

Ngày hôm sau, khoảng ba giờ sáng, bộ phận bếp núc đã lục đục tiến hành việc cơm nước.  Chúng tôi được lãnh suất đôi cho bữa sáng và bữa trưa rồi ra bến chờ tàu đến.  Việc chờ đợi thường kéo dài hàng giờ nên có đến hơn phân nửa số tù lăn ra ngủ vớt, lắm anh say giấc đến mức từng còi tàu ghé bến dội vào núi như sấm rền mà vẫn còn nói  mơ lảm nhảm.

Ðiều tôi sợ nhất đã lò dò tìm đến:  Hôm nay tàu chở toàn gạo với... gạo!  Mỗi bao gạo bấy giờ nặng tròn một tạ, tức gấp đôi bao gạo ngày nay. (Có lẽ người ta tiết kiệm sợi gai dệt bao nhưng lại quên tiết kiệm sức khỏe công nhân bốc vác!).  Bốc vác loại hàng ấy ở các kho bãi thường dùng một nhóm công nhân "đặc chủng" gọi là phu gạo.  Họ có sức khỏe tốt hơn và xương sống dẻo hơn.  Tự lượng sức "dài lưng tốn vải" của mình, tôi biết mình không tài nào "chơi" nổi các chiếc bao sọc xanh rùng rợn ấy.  Phải cố thoát cho bằng được, mới mong bảo vệ nổi cái xương sống tội nghiệp của mình.

 

Tôi bập bẹ một câu tiếng Pháp với gã lính da đen đang ve vẩy chiếc roi.  Gã gật đầu.  Tôi tót ngay vào bãi xí.  Bụng tôi chỉ muốn cất tiếng hát "là lá la" chứ không cảm thấy căng thẳng, bức xúc như những bụng khác khi rảo bước vào cái bãi sặc mùi thập cẩm nọ.

Liếc nhìn quanh, tôi thấy có vài ba trự đang "thượng khẩn" giải quyết việc trút bỏ.  Họ vừa quay về chỗ làm là tôi nhích tới điền ngay vào một chỗ mà kẻ kia vừa hối hả bỏ đi.  Ðể việc "chiếm dụng" được hoàn hảo, tôi còn phải "dũng cảm" nhón lên rồi vứt ra thật xa cho bằng hết những chiếc lá rừng bẩn thỉu mà người "tiền nhiệm" tự thấy không có thứ bổn phận trời ơi ấy.  Tay tôi khư khư một cành nhỏ lá xanh.

Mấy tên lính quá bộ vào kiểm tra thường chỉ thực hiện qua quít vòng ngoài, chắc không tên nào chịu hao công tốn sức khám phá gian ý... siêu đẳng ấy của tôi.  Lẽ nào màng mũi của chúng được cấu tạo bằng chất liệu khác được nhỉ?

Mặt trời tháng bảy ở miền nhiệt đới nầy đã xối thêm lửa xuống bãi xí.  Tôi sửng sốt nhận ra "món sản phẩm gian lận" nọ đã giở quẻ se mặt, ngả màu nâu nâu.  Nguy cơ bị "lột mặt nạ" đã lăm le hại tôi đây?

"Thật là hỏng bét!"  Tôi nháo nhác nhìn quanh cố tìm tang vật mơi mới để kết đồng phạm.  Khó khăn thật!  Tuy mùi xú uế đã xua mấy tên lính tuần giạt ra xa thêm, nhưng không biết tôi đã lay hoay vụng về ra sao lại lọt đúng vào tầm ngắm chênh chếch của một gã lính da đen rạch mặt.  Thật là rách việc!

Gã quá xốn mắt trước việc tôi diễn cái trò nhích tới nhích lui bất chấp vệ sinh, bèn xăm xăm bước vào bãi xí, phẩy tay một cách thật cương quyết.  Gã nhất định không thèm "duyệt" cành lá rừng tôi vẩy vẩy để làm bằng chứng rằng mình đang làm... nhiệm vụ đặc biệt.  Tôi đành ríu rít đưa tai cho lão có chỗ nắm, xển tôi ra xếp  vào cuối hàng cu li tù.  Hàng người này liên tục bổ sung và cũng liên tục nhích dần tới phía trước.

Thấy chỉ còn mươi người nữa là đến lượt tôi phải è lưng cõng chiếc "ba lô" to đùng ấy, tôi năn nỉ mấy người đứng sau lưng:

- Mầy nhích lên giùm tao đi!  Mai mốt Tây có sinh sự gì, tao gỡ giùm cho!

Phỉnh đại như vậy chứ hạng tôi mà còn gỡ giùm nổi ai?  Vậy mà cũng có được mấy kẻ bùi tai lời dụ khị ấy.  Thế nhưng món dụ khị cũng không hơn gì món kem, chỉ một chốc là tan sạch.

Ðến kẻ thứ mấy đó thì lừa đã gặp lừa!  "Lừa" của tôi là lừa gạt, còn "lừa" của hắn là lì lợm thứ thiệt!  Năn nỉ đến lần thứ ba mà hắn vẫn một mực giả điếc, tôi quan sát thật nhanh các tên lính rồi bỏ chỗ, chạy đại xuống gần cuối hàng.

Tôi chỉ gần thành công trong việc quan sát Tây mà thất bại trọn gói trong việc quan sát ta!  Mấy gã tù thấy tôi chơi bẩn, tóm lấy áo tôi co kéo tối đa, làm cho trật tự bị sổng mất!  "Tham thì thâm" cổ nhân dạy thật ác!  Tên thủy thủ đứng trên đống gạo phát hiện đầy đủ hành vi bất lương của tôi, hắn nổi giận đùng đùng, phóc xuống nắm tóc tôi dắt lên đứng vào vị trí... số 1!

Hắn giận là quá đúng, bởi hắn có bổn phận giao gạo cho chúng tôi vác, chúng tôi nổi máu quậy kéo theo nhiều kẻ bắt chước khác thì hắn còn biết giao cho ai?  Ðâu thể neo tàu lại xem cảnh náo loạn cho được?  Nhưng tôi chịu "thâm" thì đau quá, bởi tôi nào có tham?  Nếu tôi nhào vào giành gạo để vác thì bảo "tham" mới đành một lẽ chứ!

Chuyện nguy hiểm đã đến.  Tên thủy thủ nặc nô túm tóc tôi lúc nãy có lẽ thời chưa đi lính hắn đã từng là lực sĩ cử tạ chuyên nghiệp thì phải.  Hắn đứng dạng chân trên đống gạo cao ngang mép tai tôi, hai cánh tay dang rộng, hắn bấu vào hai góc bao gạo, nhấc bổng lên.  Tôi còn chưa chọn được thế đứng tấn cho ra hồn thì a - lê - hấp! hắn "bịch" một phát, bao gạo tìm đúng địa chỉ cái lưng khốn khổ khốn nạn của tôi.  Mắt tôi tóa đom đóm, chân tôi chao tới chao lui ngoài vùng phủ sóng của thần kinh hệ, người tôi lắc lư như kẻ lên đồng.  Tôi thử cất bước nhưng bàn chân vẫn bám chặt sàn tàu nóng rực, không có cách nào giở lên nổi.  Túng quá hóa liều, tôi nghiêng đại bao gạo vào người bạn tù mới trờ tới.  Anh ta bị bất ngờ, cố sức giãy ra nhưng vô phương, bởi gạo trong bao đã chuyển hẳn trọng tâm sang anh ta mất rồi.  "Véo" một tiếng, chiếc cần ăng ten vụt vào tôi nhưng lại trút vào anh (như chuyện bao gạo) phía mút đau quắn, anh ta đành bước giật lùi rồi xoay người lại, miễn cưỡng cùng khiêng với tôi.  Bao gạo che khuất mặt anh nhưng tôi thừa sức đoán là mặt anh đỏ hơn bao giờ hết.  Ngay đấng Từ bi cũng khó thể nhịn nổi thủ đoạn xỏ lá ấy của tôi.  Sực nhớ ra thứ "bùa thiêng" của mình, tôi "chuyển tông", bước thấp bước cao trên bãi đá hộc lổng chổng, gầm lên một câu tiếng Pháp "Tôi bị ốm!"

Tống xong bao gạo tội nợ nọ lên xe, quay lại bến, tôi móc ngay tấm phiếu khám bệnh đã được tôi thêm con số không sau con số 1, trình với tên Pháp chỉ huy cuộc dỡ hàng.

Hắn nhìn thẳng vào mắt tôi mấy giây rồi nhúm vai, hất hàm, cho phép tôi "từ chức" phu gạo bất đắc dĩ.  Chỉ chờ có thế, tôi ngả lưng ngay chỗ mấy viên đá kê khá phẳng, cách chỗ đứng của y không xa.  Phải nằm vạ ngay ở đấy tôi mới mong đở bị cần ăng ten tìm đến.
 

Mấy gã tù rảnh tay lúc về cứ lướt mắt mỉa mai đứa nhác việc làm tôi sợ lộ quá đỗi.  Tôi đậy chiếc nón rách lên mặt để kiếm một giấc ngủ lơ mơ, phần nào giống việc vận công điều tức của con nhà quyền cước.

Một lát sau, hai bạn tù lăn một thùng rượu chát ngang chỗ tôi... dưỡng bệnh.  Không rõ họ dùng thủ pháp ra sao mà đá hộc đã chém vỡ một mảnh ván thùng, rượu tuôn ra lênh láng nhuộm đỏ các viên đá.  Mấy tên lính reo lên, chạy lại dựng thùng rượu, đứa hối hả nhét khăn vào chỗ thủng, đứa hấp tấp cạy nắp vục mũ sắt vào múc bát nháo, khua nhau côm cốp.  Một số tù gần đấy cũng được hưởng chế độ "của người bồ tát".

Giữa cảnh nhốn nháo ấy, không nhớ ai đó đã đem biếu tôi nửa lon.  Ði múc tranh với người ta mà xoay đâu được loại "túi sáu gang" như anh ta thì quả thật là bản lĩnh cao hơn tôi nhiều.  Anh ta ngồi chờ lấy lại chiếc lon quý hóa ấy nên tôi phải uống tốc hành.  Có ngót nửa lít vang vào, vai trò đau ốm của tôi diễn càng thêm đạt, vừa ra vẻ sốt cao, vừa có vẻ mấp mé mê sảng đến nơi.  Các bạn tù chả còn thiết gì chuyện trêu tôi, có lẽ họ cũng đang say.

Hai ngày kế tiếp, tôi khỏi ra bến, ở nhà hí hửng... với bùa.

Các bạn tù ra bến lúc gần bốn giờ sáng thì khoảng năm giờ, ngư dân Lăng Cô và đám đầu nậu buôn cá cũng ca khúc khải hoàn.  Tôi nằm sát mí kẽm gai nên nhỏm dậy chào hỏi họ mấy câu, cốt thỏa mãn nỗi thèm nói chuyện với người ngoài (Tôi nghi kiếp trước của mình có lẽ chẳng là khỉ đột thì cũng là đười ươi sở thú!)  Ðang say chuyện thì lão Tây thình lình xộc về bắt gặp, "xạc" cho một trận.  (Tôi thì lại chỉ muốn "xạc" cho lão ta một vố về cái tội chỉ có mỗi gói thuốc lá mà cũng bỏ quên!)  Tôi phân bua với lão rằng cô gái nọ là con người chị của mẹ tôi, lấy chồng Huế đến nay mới tình cờ gặp lại.  Trình độ tiếng Pháp lớp Sáu của tôi bấy giờ... "thừa sức qua cầu" mấy câu ấy.

 

tiếp (3)

 

Hôm sau, cô gái nọ vấp phải hòn đá nào đó dưới cát ngã sóng soài, cá văng tung tóe.  Cô ta buông đòn gánh, lom khom cúi nhặt trong bóng đêm về sáng.  Cô luôn cố tình quay lưng về phía tôi.  Bọn lính trên lô cốt không thể nghi ngờ gì được.  Với thủ đoạn ấy, cô ta cứ việc sờ soạng mặt cát như người mù, chuyện trò thoải mái.

Cô ta tò mò:

- Hôm qua, thằng Tây quát mắng anh dữ hỉ?

Tôi bốc phét:

- Mắng gì mà mắng?  Tui mắng nó đó chớ!

- Tui nghe giọng hắn the thé mà?

- À à..., tật của hắn rứa đó.  Hắn bị suyễn kinh niên.  Ngay cả khi nói với sếp, giọng hắn cũng rứa!

- Thôi đi!  Miềng nỏ tin mô! (Tôi không tin đâu!)  Còn eng (anh) nói chi với hắn mà nhiều rứa?

Tôi hư cấu thật bố láo cho vui:

- Hắn hỏi tui:  Coi bộ thân nhau lắm hả?

Tôi bảo:  Thân cái đếch gì mà thân?  Cô ta là vợ cũ của tôi, bỏ đi theo trai gần sáu năm nay tui mới gặp...

Cô ta khúc khích thành tiếng.  Lòng tôi vui hẳn lên.  Trời chưa sáng hẳn, chúng tôi chưa nhận rõ mặt nhau do còn cách đến mấy mét kẽm gai.  Có lẽ vì vậy nên cô ta bạo miệng:

- Nỏ ngủ với nhau lần mô mà dám nói là vợ cũ!  Vô duyên!  Nói ngụy tới rứa (dối đến thế) mà Tây cũng tin tề! (kia!)

Tôi làm bộ tức tối:

- Sao lại chưa ngủ với nhau?  Tui kể lại hết
trơn cho coi!  Tụi "miềng" tuột nhau tuốt luốt...
Dzui thiệt!

Giọng cô ta rướn lên như quát thét làm tôi mất sạch hai tiếng sau cùng.

- Ðồ quỷ!  Nỏ nói chuyện với eng nữa mô!

Cô ta cất gánh lên, te tái chạy như ma đuổi.

Trời sáng dần.  Tôi nhận ra bên ngoài hàng rào kẽm gai có gần một chục cá bạc má xếp ngay ngắn chồng lên nhau, chứng tỏ không phải là món cô ta nhặt sót.

Bất ngờ và kín đáo thay!  Lại còn thâm thúy "chết người" nữa chứ!  Dân gian có câu đố về con cá bạc má như sau:

Vai mang khăn gói sang sông,
Mẹ kêu mặc mẹ lấy chồng con đi...


"Bạc má" ngụ ý là theo chồng quên mẹ!  Hay ơi là hay!  Cô ta cố ý làm thế đấy!  Có đến mười con cá cả thảy, tức là cô ta thích đứa xạo như tôi gấp... chục lần má cô ta!

Tôi lại nghĩ lan man:  Nhan sắc cô nàng ra sao nhỉ?  Cằm chẻ hay... môi chẻ?  Mặt trái xoan hay mặt bánh bao?  Mắt lúng liếng đong đưa hay lở dở lé xệch?  Tôi thật là nhọc sức cho cái vụ đoán mò ấy.

Tôi nối hai thanh củi nhỏ thành cái cần khá chắc, cuối cần tôi buộc vào một mẩu kẽm gai rồi lần lượt "câu" xong số cá trên cát bên ngoài hàng rào.  Công việc thật ra dễ dàng hơn tôi tưởng nhiều.

Không rõ vì đâu tôi không gặp lại cô ta nữa.  Bây giờ tôi mới nhớ ra là chúng tôi chưa hề hỏi tên nhau.  Tệ thật!

Nằm giữa bãi tha ma cũ để hứng chịu cái nắng hầm hập suốt ngày, tôi lo cái ốm thật chẳng mấy chốc sẽ thay thế cái ốm giả mất.  Tôi phải... đẩy nhanh tiến độ "chạy làng" mới được.

Tôi nhặt một vỏ lon cá hộp, khạc vào đấy một mớ đàm nhớt rồi xỉa chân răng mình cật lực để lấy máu hòa vào rồi đánh lên cho thật đều.  Một thợ bánh chăm chỉ nhất chắc cũng chỉ ra công đến thế mà thôi.  Cuối cùng tôi gia vào đấy một "vị" nữa là có được một sản phẩm hoàn hảo cho kế hoạch tởm lợm của mình.  Ngay chiều hôm ấy, tôi chọn đúng lúc sếp Tây đứng cạnh cửa rào, tôi ké né xin phép ra  ngoài vòng rào.

Lão hỏi:

- Mầy giấu cái gì đó?

Ðã đến lúc không thể tiếp tục thương hại cái mũi mình được nữa, một tay tôi tự véo vào mũi mình thật mạnh tay khiến đôi mắt cũng chịu vạ lây xệch hẳn ra một bên, còn tay kia tôi rụt rè làm như cực chẳng đã chìa chiếc vỏ hộp cá, hơi lắc một chút đủ thì giờ cho lão nhận ra "bảo bối" rồi giấu phắt ra sau lưng như cũ.  Tôi lúng túng giải thích:

- Tôi chôn gần lều mấy lần rồi nên ai cũng chửi.

Lão hoảng hốt bóp đại chiếc mũi lõ, phẩy tay vô cùng dứt khoát, chỉ mong tôi cút xéo cho nhanh.  Phải thừa nhận rằng lão ta vô cùng nhạy bén trong việc mắc mưu!

Sáng hôm sau, việc tập họp có hơi khác.  Những ai cáo ốm được tập họp riêng ra một bên.  Số "bệnh tù binh" ấy có tất cả hơn năm mươi mống, kể cả tôi.

Nghe gọi đến tên mình, vừa hổn hển rặn mấy tiếng "pờ... rề... dâng" (có mặt), vừa  khổ sở chống một tay lên mặt đất, tay kia tôi bấu vào vai người ngồi phía trước làm anh ta nhăn nhó té sấp.  (Tuy đồng bệnh nhưng đâu dễ gì thương nhau?) Tôi bám nhanh sang bờ vai cạnh đấy, lom khom gượng đứng lên thật chậm.  Ðã thế tôi lại còn phải  lao chao run rẩy tí chút mới thực sự ăn khách.   Quả nhiên cả sếp Tây lẫn sếp ta đều cho rằng toàn bộ bè lũ ma rừng ma biển của xứ Lăng Cô nầy đã xúm nhau hút hết xương tủy tôi, thế là tôi lập tức được xếp vào số mười người được phép trở về nhà lao Con Gà.  Số còn lại, phải ốm tại chỗ, tức là họ chỉ còn cầu khẩn tổ tiên chứ nơi đây không có y tá, cũng chẳng có thuốc men gì hết.

Mười bệnh nhân được phép mang theo vật dụng cá nhân ra bến ngồi chờ.  Hơn 15 giờ tàu mới dỡ xong hàng, nổ máy tà tà lùi khỏi bến, quay mũi trực chỉ Ðà Nẵng, mang theo số "bệnh tù binh".  Tôi không quên móc ngay tấm phiếu khám bệnh đã bị cập nhật hóa ra làm... kẹo cao su.  Không lo phi tang cho kịp lúc thì chỉ còn nước ốm đòn!

Lúc ra đi tàu chở ngót vài trăm tấn, lúc về chỉ chở có mười mống suy nhược, nặng chưa tới nửa tấn tức chưa bằng 1/400.  Khi đi, tàu xé sóng băng băng thì khi về, sóng xé tàu bầm dập.  Con tàu nhẹ tênh khiến chúng tôi có cảm giác như đang ru trên một chiếc võng cực dài, đưa tít lên tận nóc tòa nhà ba, bốn tầng rồi ru trả theo chiều ngược lại.  Ðã thế, tàu còn lái dích dắc để tránh các ngọn sóng nên đám tù lẫn mọi thủy thủ đều đuối lả, chỉ khác nhau là chúng tôi "được phép" nằm xụi lơ, còn các thủy thủ, trừ người đang lái bám cứng vào vô lăng, đảo người xiêu qua xiêu lại, các thủy thủ khác cứ hết giạt qua góc nầy nôn ọe vào chiếc xô treo sẵn bên vách tàu lại giạt sang góc kia tái diễn trò ấy.  Gã nào gã nấy đều dốc hết mật xanh mật vàng, mặt mày tái mét.  Trông họ nhếch nhác đến mức có về nhà chưa chắc người thân của họ nhận ra nổi.

Ngay từ thuở bé tôi đã có dịp đi tàu thủy cùng bố.  Tôi ngơ ngác khi thấy có quá nhiều người cùng mửa ồ ạt như vậy.  Nếu thừa nhận sự sống từ biển đổ bộ lên cạn thì có lẽ tôi thuộc vào hàng rặt giống nhất.  Chung quanh tôi, ai nấy bấn cả lên, còn riêng tôi, mắt vẫn chong qua cửa ô gắn kính ở vách tàu, nhẩn nha quan sát đây đó những chú rùa biển dập dềnh, duỗi hết tứ chi, phó mặc tấm thân kềnh càng cho sóng gió hành hạ tàn nhẫn.

Tàu cập bến.  Thành phố đã lên đèn từ lâu.  Gió đêm hơi lạnh.  Nhìn lên bờ đã thấy chiếc xe tải quen thuộc đậu lù lù từ bao giờ.  Ðược phép rời tàu, tôi nhanh chân leo ngay lên xe, tìm cho mình chỗ kín gió nhất.  Các thủy thủ lại sức khá nhanh, đã chia nhau kẻ dìu người đỡ một lúc mới ném xong chín "tàu chuối héo" lên xe với tôi.

Xe mới chạy đến đầu đường, chúng tôi đã nghe tiếng hò hét, tiếng hát ông ổng, tiếng cười nói ầm ĩ của đám Tây say vang ra từ phía trại giam xa xa.

Tên tài xế nhấn còi đến thấm mệt mới thấy cánh cổng lịch kịch mở ra.  Ngay trước dãy nhà văn phòng, một đống than hồng vẫn còn hừng hực, lớp tro trắng bên trên chưa che kín hết.  Mùi gây gây, khen khét của cuộc thui cừu hãy còn phảng phất trong không khí.

Hôm nay là ngày Quốc Khánh Pháp.  Hơn mười giờ đêm mà cuộc vui vẫn chưa có dấu hiệu sắp tàn.  Chúng tôi kẻ đứng người ngồi vạ vật trước thềm chờ Tây Cọt ra nhận.  Hai thủy thủ nóng lòng đi qua rồi đi lại trước hành lang chờ chữ ký của y không biết đến bao giờ mới có.

Tây Cọt lảo đảo bước ra ký sổ nhận tù.  Lão có vẻ cáu kỉnh vì bị quấy rầy không phải lúc.  Chẳng những thế, lão còn bước hụt khi xuống bậc cấp, may mà tên lính đi cạnh đưa tay giữ lại cho, bằng không, có lẽ sự cố diễn ra không nhỏ.

Chỉ có mười mống mà lão đếm tới hai lần mới xong.  Ðếm đến "năm, sáu” thì lão nấc cụt rồi quay ra hắt xì hơi mấy cái liền, thế là lẫn lộn tùng phèo, phải cẩn thận đếm lại.  Vô phúc đếm sai, cái lon trung sĩ của lão bay tưng như chơi!

Lần đếm lại nầy, lão nhận ra tôi.  Thì ra những cú hắt hơi lại có công dụng xua được cơn lú lẩn do rượu gây ra.

Lão vẫy tôi lại gần.  Tôi thầm đoán rằng lão ta có lẽ động lòng bác ái rồi đây.  Tiêu đề của cách mạng Pháp là “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” kia mà! Nhậu tưng bừng nhân dịp Quốc Khánh, đương nhiên là cấp lãnh đạo có nhắc đến ba cái tiêu đề then chốt ấy và rượu săm banh làm cho chúng ngấm thêm lên.  "Tự do, Bình đẳng” rõ ràng là chối tai, cai ngục chẳng thể nào đem áp dụng với tù nhân được, như vậy chỉ còn lại mỗi cái "Bác ái" là xài tốt.  Chắc là lão sắp giao cho chúng tôi "tiêu diệt" nốt bữa tiệc hoặc chí ít thì cũng một ly săm banh, nhân danh Cách mạng 1789!

Tôi hớn hở bước lại, nói thật trơn tru câu tiếng Pháp đã được nháp sẵn trong trí ngay khi còn ngồi núp gió trên xe:

- Chúc sếp Quốc Khánh vui vẻ!

Lão nhe răng cười, hỏi tôi:

- Mầy ốm, phải không?

Tôi gật đầu.

Lão đưa bàn tay phải ra chờ tôi lại gần tầm hơn.  Tôi nghĩ bụng:  "Lại có cái vụ bắt tay nữa kia ư?  Sếp chơi sang quá đấy!  Quả là Quốc Khánh cũng có khác tí chút!"

Trái với điều tôi nghĩ, lão ta chẳng thèm đếm xỉa gì bàn tay tôi giơ ra đầy thân thiện mà nắm luôn cả cánh tay tôi chỗ gần nách rồi ghì mạnh.  Tôi còn chưa hiểu ra chuyện gì, có dính dáng Quốc Khánh, quốc khiếc chút nào không thì chân trái của lão bất thần "múc” một cú vào mông tôi.  Tôi nhào lộn hai vòng một cách vô thức.  Cũng may là ý thức can thiệp kịp thời, tay tôi kịp chống lên cạnh mép đống than thui cừu!  Tôi lóp ngóp bò dậy, ngực đập thình thình như trống lễ hội.  Hú vía!  Nếu tôi chống tay trễ nửa tích tắc, có lẽ tôi chẳng hơn gì chú cừu tận số nọ.

Cú đá thứ hai của chuyện nầy quả là hoành tráng và rất chi là ấn tượng!

 

 

Giáo Sư Ngô Văn Lại  吳文赖老师  <photo>

Việt Nam, Tháng 03, 2007

 

 

 

请阅读吳文赖老师佳作 * Xin mời đọc một số tác phẩm cuả Giáo Sư Ngô Văn Lại.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

*** 投稿電子郵件請寄 ***

Bài vở & hình ảnh xin gởi về Ban Phụ Trách KHAIMINH.ORG

 

VanNgheGiaiTri@KhaiMinh.org